Bài cuối: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 140 vụ tai nạn giao thông (giảm 40 vụ), làm chết 160 người (giảm 42 người), bị thương 101 người (giảm 33 người). Qua phân tích của cơ quan chức năng, hơn 90% số lỗi vi phạm là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, làn đường, lấn đường, chạy quá tốc độ, không chú ý quan sát, sử dụng rượu bia… và độ tuổi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, tập trung từ 17 tuổi đến 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 60%).

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Hạ Vy

Thời gian qua, Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc góp sức tuyên truyền, vận động với nhiều chương trình lồng ghép, hình thức đa dạng, phong phú đến tận trường học, các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tăng mức xử phạt… Tuy vậy, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh: “Nguyên nhân lớn nhất là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người điều khiển phương tiện còn nhiều hạn chế. Xác định được điều này, lực lượng Công an đã tham mưu Ban An toàn Giao thông tỉnh xây dựng các kế hoạch an toàn giao thông, triển khai tuần lễ, tháng an toàn giao thông. Mở các đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; tuyên truyền và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm; chuyên đề kiểm soát, xử lý phương tiện mang biển số nước ngoài, biển số xanh, xe độ chế, xe ô tô hết niên hạn sử dụng… Nhưng để đẩy lùi tai nạn giao thông thì người dân phải biết tự bảo vệ mình, chứ chỉ riêng sự vào cuộc của lực lượng chức năng thôi thì sẽ khó giải quyết được vấn đề. Tham gia giao thông cũng cần có văn hóa và lương tâm, trách nhiệm cao…”.  

Tai nạn giao thông dù có đi qua nhưng di chứng còn để lại sẽ kéo dài, không gì xóa tan hay bù đắp được… Bởi lẽ, hầu hết những người gây tai nạn và nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình. “Phía trước tay lái là sự sống” hay “Nhanh một phút, chậm một đời” những thông điệp nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vận tải, những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên nâng cao ý thức, cùng chung tay với cộng đồng, xã hội góp phần kéo giảm nỗi đau mang tên tai nạn giao thông.

Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Taxi Mai Linh Gia Lai cho biết: “Là một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, chúng tôi hiểu và luôn đặt vấn đề an toàn giao thông lên hàng đầu. Hàng tháng, trong các cuộc họp giao ban định kỳ, Công ty đều phổ biến, nhắc nhở để nâng cao ý thức cho nhân viên “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, vì đảm bảo an toàn giao thông là một trong những tiêu chí hàng đầu đóng góp vào thành công của đơn vị, là hạnh phúc của mọi người và xã hội...”.

Ngoài những biện pháp tuyền truyền vận động để người tham gia nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tích cực kêu gọi, huy động nguồn vốn vay ưu đãi để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020 đã được phê duyệt, tỉnh sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư các gói thầu dưới nhiều hình thức khác nhau như: BOT, BT, BTO…

Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ được kéo giảm.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm