Bài cuối: Cạnh tranh trong cơ chế mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh việc đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng in ấn, các cơ sở còn đánh vào túi tiền của khách hàng bằng việc hạ thấp giá thành các sản phẩm in. Sự phát triển nhanh chóng của ngành in ấn cùng với những lợi nhuận mà nó đem lại sẽ dẫn đến nhiều sai phạm nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời.

Đua nhau hạ giá
 

Các cở sở in dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Phương Linh

Thực tế cho thấy, giá cả các sản phẩm in ấn giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không có sự đồng đều, thậm chí chênh lệch rất lớn. Trong bảng báo giá sản phẩm cho một đơn vị khách hàng, hồ sơ nhân viên (khổ 26,5x34 cm in hai màu) được Công ty cổ phần In và Dịch vụ Văn hóa Gia Lai bán 1.600 đồng/cái, trong khí đó Công ty cổ phần In Trường Xuân bán với giá chỉ 100 đồng/cái mặc dù đều sử dụng chung loại giấy ford 170 g/m2 có giá nhập từ TP. Hồ Chí Minh về có giá 832 đồng/tờ. Tương tự, bì giấy đựng quà được làm từ giấy bristol 230 g/m2, trắng bóng, khổ 79x109 cm có giá 3.860 đồng/tờ được Công ty Cổ phần In Trường Xuân bán với giá 750 đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá nguyên liệu. Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In và Dịch vụ Văn hóa Gia Lai bức xúc: “Chỉ tính riêng tiền nguyên liệu thì các sản phẩm in trên không thể nào có được mức giá thấp như vậy. Để làm được một túi giấy cần trải qua nhiều công đoạn như in bốn màu, bế, cắt dán, buộc dây… Giá bán chênh lệch quá nhiều khiến Công ty chúng tôi gặp khó trong việc giữ chân khách hàng”.

Thị trường in dịch vụ cũng có sự cạnh tranh về giá khá lớn, đặc biệt là đối với thiệp cưới. Nhìn chung, giá cả của thiệp cưới tùy thuộc vào mẫu mã, chất lượng giấy và thường dao động trong khoảng 2.000-7.000 đồng/thiệp, cao nhất 15.000-20.000 đồng/thiệp. Tuy nhiên, cách để các cơ sở thu hút khách là giảm giá tùy theo số lượng thiệp được đặt. Tại cơ sở in thiệp cưới Anh Viễn (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), thiệp cưới loại 4.000 đồng/chiếc nếu khách đặt 1.000 thiệp thì sẽ được giảm còn 3.500 đồng/chiếc. Loại hình in thiệp này thường được đi kèm với các dịch vụ cưới khác như  chụp ảnh, quay phim cưới hỏi để thu hút khách, tăng số lượng sản phẩm.

Nỗi lo… sai phạm

Bà Nguyễn Thị Thanh Lan-Phó Trưởng phòng Báo chí và Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở có giấy phép được in xuất bản phẩm. Tính đến nay, qua các đợt kiểm tra chưa phát hiện cơ sở nào có sai phạm trong hoạt động xuất bản, đặc biệt là in lậu. Mặc dù vậy, nỗi lo sai phạm lại nằm chủ yếu ở các cơ sở không được in xuất bản phẩm”.

 

Cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát hơn nữa. Ảnh: Phương Linh

Năm 2012, Đội liên ngành phòng-chống in lậu của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2012, Đội liên ngành tiến hành kiểm tra 45 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, đại lý, quầy sạp trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng, tịch thu 40 lịch bloc không dán tem chống giả và 72 sách in, sao, nhân bản lậu. Năm 2013, Đội liên ngành đã tịch thu và vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giao nộp 153 xuất bản phẩm vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, công tác phòng-chống in lậu, vi phạm pháp luật về xuất bản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Xuất bản phẩm in lậu và xuất bản phẩm theo đúng quy định được phân biệt thông qua tem chống giả, mặc dù vậy loại tem này hiện nay cũng được sản xuất khá nhiều và tinh vi không dễ phát hiện bằng mắt thường. Ngoài ra, các doanh nghiệp in xuất bản phẩm không lưu trữ đầy đủ các thành phần giấy tờ liên quan nên khó phát hiện in lậu, in nối bản trong công tác kiểm tra. Mặc dù trong quá trình kiểm tra vẫn chưa phát hiện hành vi in, photocopy, nhân bản các tài liệu thuộc danh mục cấm lưu hành, phản động, tài liệu bí mật nhà nước, sản phẩm dâm ô, đồi trụy… nhưng đã xuất hiện việc nhân bản xuất bản phẩm để kinh doanh. Ông Lê Đức Tuyên-cán bộ Phòng Thanh tra (Sở Thông tin và Truyền thông)-thành viên Đội liên ngành phòng-chống in lậu cho biết: “Chỉ cần photocopy một quyển sách cũng là nhân bản lậu, vi phạm pháp luật. Trên địa bàn tỉnh, việc nhân bản lậu chủ yếu là sách giáo khoa, sách liên quan đến học tập có số lượng ít do các hộ kinh doanh chạy theo lợi nhuận và khách hàng chưa hiểu kỹ về pháp luật”.

Ông Tuyên cũng thông tin thêm: Trong thời gian tới, Đội liên ngành phòng-chống in lậu sẽ tích cực và sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động in ấn trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ sở in quảng cáo, thiệp mời, bà Nguyễn Thị Thanh Lan cho biết: Mặc dù trước đây các cơ sở này không thuộc quản lý trực tiếp của Sở Thông tin và Truyền thông, nhưng theo Luật Xuất bản mới, sắp tới Sở sẽ quản lý chặt chẽ các cơ sở này để đảm bảo cho ngành in của tỉnh hoạt động đúng pháp luật.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm