Bài cuối: Chung tay vì những cảnh đời kém may mắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều sự quan tâm đặc biệt tới những người có hoàn cảnh đặc biệt, đem lại cho họ niềm tin, niềm hy vọng, tạo cơ hội để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Năm 18 tuổi, anh Phan Quốc Cán rời Hà Tĩnh nắng cháy vào Tây Nguyên lập nghiệp. Anh đã chọn mảnh đất Chư Prông làm nơi khởi nghiệp. Đất lạ mênh mông, cỏ cây tươi tốt, có sức người ắt có cơm ăn. Chàng thanh niên trẻ hăng say bắt tay tạo lập sự nghiệp…

Xứ rừng thiêng nước độc, những cơn sốt rét rừng đã cướp bao mạng người hăm hở đến miền cao nguyên này-điều ấy anh đã nghe nói đến. Nhưng chẳng thể ngờ, chính mình lại trở thành nạn nhân chỉ sau một thời gian gắn bó. Hậu quả của trận sốt đã khiến anh bị liệt nửa người. Từ một chàng trai khỏe mạnh, anh chỉ còn là một nắm xương khô quắt quéo, nằm im một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông vào bàn tay người vợ trẻ.

 

Đại diện Hội Người tàn tật và Trẻ mồ côi trao quà cho các đối tượng. Ảnh: Hồng Thương

“Nằm giữa căn nhà ván gỗ ọp ẹp, mùa khô phơi nắng, mùa mưa tắm trời, tôi bất lực và kêu gào, la hét, tôi trách ông trời sao nghiệt ngã… Đã có lúc, tôi giấu đi những viên thuốc ngủ, tích cóp để đến lúc nào đó tự kết liễu cuộc đời mình, cũng là bớt đi gánh nặng cho vợ con”-anh Cán tâm sự. Nhưng rồi trước sự động viên của gia đình; lại được nghe biết bao tấm gương tàn mà không phế, anh không cho phép mình đầu hàng, không để mình thua số phận. Bắt đầu lần mò tập ngồi, tập bò rồi dần dà tập đi… trong suốt 6-7 năm trời quằn quại, có những lúc té nhào té sấp, đau đớn rồi cũng qua đi, anh dần đi được xe lăn và rồi làm quen đôi nạng gỗ.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã hỗ trợ cho vay tiền để phát triển kinh tế. Số tiền tuy nhỏ nhưng bù lại, vợ chồng anh có một nghị lực và sự đồng lòng vô cùng lớn. Anh đầu tư nuôi heo, gà theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Sẵn có nghề nấu rượu, vợ chồng anh tận dụng làm thức ăn cho heo. Việc chăn nuôi thuận lợi, khó khăn cũng dần qua đi. Từ một hộ nghèo, gia đình anh nay đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, nuôi 2 con ăn học nên người, trở thành tấm gương tiêu biểu cho mọi người xung quanh học tập.

Không chỉ với anh Phan Quốc Cán, trong những năm qua, tỉnh ta đã dành sự quan tâm đặc biệt tới những người có hoàn cảnh đặc biệt, đem lại cho họ niềm tin, niềm hy vọng, tạo cơ hội để vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Từ năm 2008 đến nay, với sự kêu gọi, vận động, ngày càng nhiều các cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh đóng góp cho Quỹ Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi với số tiền gần 3 tỷ đồng.

 

Theo thống kê của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 16.200 người tàn tật và hơn 6.000 trẻ mồ côi, trong đó có 80% sống tại vùng nông thôn nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.

Có thể kể đến sự đóng góp tích cực và thường xuyên của các Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Binh đoàn 15, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Công ty TNHH 30-4, Ngân hàng Chính sách Xã hội,… Nguồn đóng góp ấy đã đem đến cho hơn 5.000 lượt người tàn tật và trẻ mồ côi những phần quà, những sự hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất hết sức to lớn.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã tặng 542 xe lăn cho người khuyết tật vận động, 1.000 ca phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể; 180 người được học nghề; 500 chiếc xe đạp được trao tặng cho trẻ mồ côi, 200 em được nhận học bổng; tổ chức khám-chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 1.700 lượt người; 3.000 người được tặng quà. Ngoài ra, đã có 4 ngôi nhà tình thương được xây dựng.

Đặc biệt hơn nữa, từ nguồn quỹ trên, tỉnh đã tiến hành triển khai 2 dự án sinh kế chăn nuôi 31 con bò sinh sản trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 2 huyện Kbang và Ia Grai. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi thể dục thể thao, các cuộc thi, giao lưu văn hóa văn nghệ cho các đối tượng là người tàn tật trên địa bàn toàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tham gia các cuộc thi thể thao quốc gia và đã đem về nhiều huy chương.

Sự động viên, khích lệ tinh thần, hỗ trợ vật chất kịp thời đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp họ vượt qua mặc cảm bản thân, nhận thức rõ giá trị bản thân từ đó củng cố ý chí để vươn lên, làm chủ cuộc sống và hòa nhập với xã hội. Để làm tốt hơn vai trò là cầu nối những tấm lòng hảo tâm với những mảnh đời kém may mắn, ông Lưu Ô Y Nôm-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, chia sẻ: “Bên cạnh việc tiếp tục vận động xây dựng nguồn quỹ hoạt động, hội sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt hơn nữa công tác bảo trợ; hỗ trợ xe lăn, xe lắc, xe đạp cho các đối tượng có nhu cầu, hỗ trợ sinh kế và tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho các đối tượng nhằm giúp họ có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn, vươn lên chiến thắng nỗi đau cuộc sống”.

Lê Hòa-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm