Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: "Công nghệ cao" trên đảo tiền tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.
(GLO)- Dù vẫn còn nhiều gian khó nhưng Trường Sa hôm nay đã rất mới so với hình dung của nhiều người. Không còn quá cách biệt với đất liền khi đã có sóng điện thoại, internet, chảo thu sóng truyền hình, năng lượng sạch…
Trước kia mỗi lần tàu ra luôn mang theo hàng bao tải thư. Bây giờ có điện thoại rồi nên anh em “quên” viết thư, đất liền cũng không còn mòn mỏi mong ngóng “mỗi cánh thư về từ đảo xa” (lời bài hát Gần lắm Trường Sa-P.V) nữa”-nguyên Đảo trưởng đảo Phan Vinh Trần Văn Nhật vui vẻ kể với cánh phóng viên, dù rằng anh tự nhận mình vẫn thích được nhận thư nhà hơn.  
“Không xa đâu, Trường Sa ơi”
Xa nhà đã 2 cái Tết nhưng chiến sĩ Đỗ Trọng Hiếu, quê Vũng Tàu (điểm đảo Tốc Tan B) cũng vơi được phần nào nỗi nhớ nhà nhờ có điện thoại và internet. Sóng Viettel-Tập đoàn Viễn thông Quân đội giờ đã phủ hầu khắp các đảo, kèm theo đó là sóng 2G (chưa có sóng 3G vì đường truyền còn yếu). Đảo có 1 máy tính để bàn để phục vụ nhu cầu kết nối, tìm kiếm thông tin, cập nhật thời sự trên internet của cán bộ, chiến sĩ, ngoài ra các cá nhân còn tự trang bị thêm 4 laptop. “Lâu lâu em lại lên yahoo chat với bạn bè. Còn gia đình thì không ai rành internet nên em thường chỉ gọi điện”-nhìn Hiếu vừa nhanh nhẹn lướt net vừa trò chuyện thì biết trình độ IT (công nghệ thông tin) của cán bộ, chiến sĩ trên đảo không thua gì đất liền. 
Chiến sĩ điểm đảo Tốc Tan B gần hơn với đất liền nhờ có internet. Ảnh: Phương Duyên
Chiến sĩ điểm đảo Tốc Tan B gần hơn với đất liền nhờ có internet. Ảnh: Phương Duyên
Thượng úy Lê Trọng Nghĩa- Phân đội trưởng Phân đội chiến đấu 1, đảo Trường Sa Đông, cũng cho hay, ngày anh ra đảo (tháng 7-2009) sóng Viettel đã có nhưng rất yếu, hay chập chờn do Trường Sa Đông chỉ “ăn ké” sóng của đảo Đá Tây và Đá Đông chứ chưa có riêng cột viễn thông trên đảo; có khi phải… treo máy ở cửa sổ thì mới bắt được sóng. Tuy nhiên chất lượng sóng nay đã được cải thiện nhiều, nhất là khi thời tiết đẹp. Chỉ cần cầm máy lên, bấm vài con số là có thể “chỉ đạo” được công việc gia đình ở đất liền. Chưa kể, ngoài 1 chiếc máy tính để bàn, số laptop trên đảo đếm vừa đủ 2 bàn tay. “Công nghệ cao đã góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của lính, giúp cán bộ chiến sĩ liên lạc với gia đình, giải quyết một phần rất quan trọng là tâm lý”- Thượng úy Nghĩa hài lòng nhận xét. 
Chính vì vậy, để đảm bảo cho hoạt động của các cột viễn thông, Viettel thường xuyên cử nhân viên đi cùng các chuyến tàu ra Trường Sa để bảo dưỡng, nâng cấp cấu hình trạm. Anh Nguyễn Minh Tuệ- đội trưởng đội lắp đặt Viettel ở Trường Sa, cho biết: Đến nay đã có 24/33 điểm đảo có cột viễn thông, những đảo chưa có thì ké sóng với các đảo lân cận. Kế hoạch của Viettel là đến tháng 3-2012 sẽ lắp đặt cột viễn thông trên toàn bộ các điểm đảo còn lại. Đội trưởng Tuệ tâm sự: “Năm nay chúng tôi đi Trường Sa tới 3 lần. Lần này sóng lớn thì hơi vất vả nhưng chúng tôi quyết tâm phải làm thật tốt để phục vụ lính”. 
Vững chãi nơi đầu sóng
Đảo tiền tiêu bây giờ có một hình ảnh khiến ai nấy đều thích thú, đó chính là những chiếc quạt gió cả ngày quay tít mù cùng gió biển. Cùng với quạt gió còn là những tấm pin thu năng lượng mặt trời-nguồn cung cấp điện cho đảo. Đại úy Hồ Công Tuệ- nhân viên Cơ yếu điểm đảo Tốc Tan A, phấn khởi khoe: “Đảo sử dụng điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời cách đây 1 năm rồi. Trước kia thì xài máy nổ nhưng chỉ được dùng khoảng 3-4 tiếng đồng hồ mỗi tối”. 
Anh Đường Quốc Sơn- nhân viên Công ty Năng lượng Mặt trời Bách khoa (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị lắp đặt quạt gió và pin mặt trời cho các đảo-thông tin thêm: Đưa vào thí điểm từ năm 2008, đến cuối năm 2009-đầu năm 2010 nguồn năng lượng sạch này đã phủ khắp 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa và 15 nhà giàn. Tùy vào sức nắng, sức gió, số lượng động cơ gió và pin mặt trời mà lượng điện cung ứng dao động từ 3,6 Kv đến 10 Kv/ngày/điểm đảo. Mỗi năm Công ty còn tổ chức bảo trì từ 3 đến 4 đợt/năm tại tất cả các đảo để đảm bảo nguồn năng lượng thiết yếu này. Theo Thượng úy Lê Trọng Nghĩa (đảo Trường Sa Đông), nguồn điện này có thể đảm bảo tốt cho cả nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu. 
Có điện thường xuyên, những chiếc ti vi trên các đảo cũng có “cơ hội” hoạt động nhiều hơn. Trung tá Trần Văn Nhật-nguyên Đảo trưởng đảo Phan Vinh cho biết, ti vi ở đây bắt được rất nhiều kênh vì dùng chảo thu sóng qua vệ tinh VINASAT, trong đó có rất nhiều đài địa phương, nhờ vậy mà cán bộ, chiến sĩ đỡ nhớ nhà, đời sống tinh thần cũng phong phú hơn. 
Và, những ánh điện trên đảo cũng thức trắng trong cả đêm dài thăm thẳm giữa biển khơi. Trong bóng tối lặng lẽ mênh mông, từ boong tàu nhìn về phía đảo vẫn thấy sáng lên vẻ hiên ngang, vững chãi của từng đảo chìm, đảo nổi. 
Trường Sa không xa…
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm