Bài cuối: Dấu ấn của những nhà khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi được biết, mới đây, chương trình trồng đại trà cây thông đỏ (khoảng vài trăm ha) đã bắt đầu được triển khai tại một số vùng thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Như vậy, trong tương lai, nguồn dược liệu thông đỏ của Việt Nam có thể dồi dào. Còn trong hiện tại, theo TS. Dương Tấn Nhựt-Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên, người có rất nhiều năm nghiên cứu cây thông đỏ-thì nguồn biệt dược này vẫn đang rất hiếm.

Xin nhắc lại thông tin do Kỹ sư Đoàn Huy Tràng cung cấp cho chúng tôi: Trong 10 mẫu thông đỏ do ông lấy từ rừng về rồi chuyển sang bên Mỹ thì có một mẫu chiết tách được “chất” 10-deacetyl baceatin III chuyển hóa taxol cao nhất thế giới.
 

Ông Đoàn Huy Tràng (trái) là người đầu tiên tìm ra cây thông đỏ ở Lâm Đồng để phục vụ nghiên cứu khoa học. Ảnh: K.D

TS Dương Tấn Nhựt cho biết thêm: “Theo khảo sát của chúng tôi, đến đầu những năm 90 thế kỷ trước, ngoài cây thông đỏ “nhất thế giới” ấy, quần thể thông đỏ taxus wallichiana zucc chiết xuất 10-deacetyl baceatin III chuyển hóa taxol bào chế thuốc chữa ung thư chỉ còn lại rất ít ở Lâm Đồng-khoảng 100 cây, và một vài cây ở miền núi tỉnh Khánh Hòa giáp với Lâm Đồng. Và, ngay từ đầu những năm 1990, công việc nghiên cứu cây thông đỏ, trong đó có việc nhân giống và bảo tồn nguồn gen, đã được Phân viện Sinh học Đà Lạt tiến hành cho đến tận giờ này”.

Trước tiên, hướng nghiên cứu nhân giống thông đỏ bằng giâm cành đã được các nhà khoa học ở Lâm Đồng chú trọng thực hiện. Hàng loạt cây giống đã ra đời bằng phương pháp này. Tiếp đến là phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Và, không dừng lại ở đó, các nhà khoa học ở Lâm Đồng tiếp tục tiến hành một phương pháp mới là nuôi cấy lắc trong môi trường lỏng để nhân nhanh loại tế bào thông đỏ. Và hiện tại, thêm bước nữa là nuôi cấy tế bào thông đỏ dưới dạng bioreactor (tạm gọi là “lắc lớn”) trong môi trường lỏng để tạo nguồn nguyên liệu chiết tách taxol một cách nhanh chóng và với số lượng lớn.

 

Thông đỏ được nhiều hộ dân trồng như cây cảnh. Ảnh: K.D

Thạc sĩ Nguyễn Lý Diệu Oanh (hiện là Trợ lý Khoa Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Yersin Đà Lạt) cho chúng tôi biết: “Hồi còn là sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt (khoa Sinh, khóa 19), tôi chọn đề tài “Bước đầu tìm hiểu quy trình nhân giống cây thông đỏ” để làm luận văn tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về công tác tại Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Đà Lạt và tiếp tục thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây thông đỏ”.
 

Chúng tôi đã tìm đọc một số tài liệu của TS. Trần Khánh Viễn và được biết: Ở Mỹ và Pháp, hai công ty thu được nhiều lợi nhuận hàng năm từ chiết xuất thông đỏ là Công ty Bristol Myers Squibb (Mỹ) và Công ty Sanofi Aventis (Pháp). Cụ thể là trong vòng 10 năm, nguồn thu từ taxol (được phát triển từ phân tử paclitaxel hoạt hóa) của Bristol Myers Squibb là 11 tỷ USD và chỉ trong 1 năm, nguồn thu từ taxotere (được phát triển từ phân tử docetaxel hoạt hóa) của Sanofi Aventis là 1,7 tỷ USD.

Với đề tài này, Trung tâm chúng tôi đã trồng được 3 ha thông đỏ tại khu vực rừng của Trung tâm thuộc xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt. Cũng cần nói thêm, trước khi chúng tôi trồng, qua khảo sát thì trong khu vực cả Xuân Thọ chỉ còn sót lại 5 cây thông đỏ tự nhiên. Đến năm 2006, tôi về công tác tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Tại đây, từ nguồn giống của Viện Sinh học Tây Nguyên (tên gọi lúc này của Phân viện Sinh học Đà Lạt trước đây), nhà trường chúng tôi đã trồng và nhân giống khoảng 2.000 cây thông đỏ để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và tạo nguồn nguyên liệu theo chương trình của đề tài khoa học “Hoàn thiện quy trình nhân giống cây thông đỏ phục vụ cho bảo tồn và sản xuất” do thầy Nguyễn Mạnh Hùng-Phó khoa Công nghệ Sinh học Đại học Yersin-làm chủ nhiệm. Cũng trong chương trình này, chúng tôi đã gửi mẫu thông đỏ (trồng) qua Pháp để kiểm nghiệm”.

Trong một tài liệu nghiên cứu khoa học đã được công bố của TS. Hứa Vĩnh Tùng-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Lâm Đồng-cùng thực hiện với một nhóm tác giả thì hàm lượng taxol và taxotere để bào chế thuốc chữa trị ung thư có trong cây thông đỏ ở Lâm Đồng là cao nhất và đạt chuẩn nhất thế giới. Công bố này trùng khớp với kết quả phân tích của các nhà khoa học người Mỹ cách nay gần 20 năm thông qua 10 mẫu thông đỏ do ông Đoàn Huy Tràng lấy ở rừng Lâm Đồng và gửi sang Mỹ.

TS. Lê Thị Xuân trăn trở: “Kể từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước, khi chúng tôi và một vài đồng nghiệp tìm ra cây thông đỏ ở Hòa Bình (taxus chinensis) và Lâm Đồng (taxus walichiana), cho đến lúc này, ngoài một vài công trình nghiên cứu mang tính nhỏ lẻ, vẫn chưa có một “chương trình dài hơi” theo hướng bảo tồn nguồn gen quý hiếm và có giá trị kinh tế cao đối với cây thông đỏ là một điều đáng tiếc!

Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm