(GLO)- Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hàng năm Nhà nước bỏ ra không ít tiền của để tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi công dân khi tham gia giao thông. Song, tình hình vi phạm trật tự và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức độ thiệt hại về người và tài sản vẫn nặng nề. Làm sao có liều thuốc thích hợp?
Đâu là nguyên nhân
Theo số liệu từ Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 10 tháng năm 2012, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự phát hiện, lập biên bản 79.057 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, xử phạt 74.429 trường hợp, nộp Kho bạc 24,08 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp phát hiện tăng 12,52% (79.057/70.260 trường hợp), số tiền xử phạt tăng 26,71% (24,08/19,003 tỷ đồng). Xử lý chuyên đề, buộc hạ tải khoảng 6.950 tấn hàng hóa. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phát hiện 25.737 trường hợp, xử lý 10.594 trường hợp, thu phạt nộp Kho bạc 2,325 tỷ đồng; nhắc nhở, cảnh cáo 15.143 trường hợp.
Ảnh: Minh Thi |
Ngoài ra, cũng trong 10 tháng năm 2012 đã xảy ra 163 vụ tai nạn giao thông (giảm 58 vụ so với cùng kỳ năm trước) làm 184 người chết (giảm 66 người) và 127 người bị thương (giảm 18 người). Trong đó, chủ yếu là vi phạm tốc độ (chiếm trên 30%), đi không đúng phần đường (trên 40%), tránh, vượt sai quy định (trên 10%), uống rượu, bia say (trên 3%)… Bình quân mỗi ngày xảy ra 0,56 vụ tai nạn giao thông làm chết 0,61 người và bị thương 0,42 người.
Trong 163 vụ tai nạn giao thông, Cơ quan Điều tra đã phân tích có 255 lỗi vi phạm gồm: chạy quá tốc độ 21,57% (55/255); đi không đúng phần đường, làn đường 21,18% (54/255); không chú ý quan sát 20,78% (53/255); vượt sai quy định 9,41% (24/255); tránh sai quy định 7,45% (19/255); không nhường đường 5,10% (13/255); sử dụng rượu, bia 4,31% (11/255); do người đi bộ 3,92% (10/255); lỗi chuyển hướng 2,35% (6/255); sai quy trình thao tác lái xe 2,35% (6/255); phương tiện không bảo đảm kỹ thuật an toàn 1,57% (4/255). Trong số những vụ tai nạn giao thông này, quốc lộ (4 tuyến dài 505 km) chiếm 56,44%; tỉnh (11 tuyến dài 537 km) chiếm 15,95%; giao thông nông thôn chiếm 15,34%; nội thị (dài 915 km) chiếm 10,43% và đường khác chiếm 1,84%.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ban An toàn Giao thông tỉnh, năm 2012 tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 chỉ tiêu nhưng còn ở mức cao; công tác kiểm soát tuy đồng bộ nhưng thực ra lực lượng chức năng (Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông…) vẫn còn quá mỏng so với chiều dài tuyến đường kiểm soát, quản lý. Hơn nữa, công tác xử lý vi phạm trật tự giao thông đôi khi chưa nghiêm, còn né trách, nể nang do quen biết, tiêu cực dẫn đến tác động ít nhiều đến hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông của các lực lượng chức năng; việc xử lý xe công nông kéo rơ-moóc chở nhiều người gặp nhiều trở ngại, khó khăn vì liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, đến nhu cầu có thật phục vụ sản xuất, đời sống.
Mặt khác, các cơ quan truyền thông đã phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật song công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp, học tập của các tổ chức chính trị, xã hội hết sức quan trọng nhưng đối tượng cần tập trung tuyên truyền là thanh-thiếu niên thì không dự nghe. Ngoài ra, tình trạng uống rượu, bia say xỉn vẫn tham gia giao thông; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn một số phường TP. Pleiku và các đô thị nói chung để buôn bán, họp chợ còn phức tạp; vẫn còn dễ dãi trong việc thực hiện Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13-1-2004 của Chính phủ để rà soát đình chỉ lưu hành những xe ô tô hết niên hạn sử dụng hay việc đăng ký quản lý số người điều khiển xe công nông…
Đi tìm lời giải
Thời gian qua, tuy chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức thích hợp qua báo, đài, bằng nhiều cuộc thi phong phú để tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ và các văn bản hướng dẫn đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều tổ chức chính trị, xã hội. Song, để hạn chế tai nạn giao thông thực ra phụ thuộc vào phạm trù ý thức và cần có biện pháp kiên quyết xử lý đối với mọi trường hợp vi phạm theo quy định của luật pháp; xử lý nghiêm những trường hợp đào xới, thi công chậm và làm hư hỏng đường giao thông; cần quy định lại những trường hợp tạm giữ xe vi phạm thật nặng như quy định tại Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ trước đây và mức phạt nặng theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP hiện hành; xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp (hiện nay nhiều tổ chức tham gia xử lý vi phạm giao thông cũng nên cần quy định trách nhiệm); kiên quyết loại trừ các xe ô tô hết niên hạn sử dụng; rà soát các “điểm đen” trên các đoạn đường đã xác định; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thông báo danh sách học sinh vi phạm giao thông đến nhà trường; thông báo đến cơ quan quản lý trực tiếp về công chức, viên chức say rượu, bia dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông hoặc có hành vi can thiệp vào việc xử lý về trật tự an toàn giao thông.
Và, cuối cùng, cần lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị như lấn chiếm hành lang, lòng lề đường; xóa bỏ “bến cóc”, “xe dù” mà lâu nay vẫn còn tồn tại.
Nhóm P.V nội chính