Bài cuối: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến khó lường, thời gian qua, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với UBND các huyện, xã-nơi có bến đò được cấp phép lẫn tự phát-tập trung triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi qua sông. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn trong công tác quản lý dẫn đến kết quả đạt được chưa mang tính bền vững.
 

Mặc dù con đò đã xuống cấp nhưng chủ đò tư vẫn sử dụng để chở khách qua sông. Ảnh: Hồng Thi

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trong quá trình vận chuyển, chuyên chở tại các bến đò ngang qua sông Ba, các cấp, các ngành của tỉnh đã thường xuyên thanh-kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở các chủ đò phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy như: giấy phép hoạt động, trọng lượng chuyên chở, trang-thiết bị về cứu hộ, cứu nạn (áo phao, phao, bắt buộc mọi khách lên đò phải mặc áo phao…) nhất là trong mùa mưa. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng hoạt động trái quy định vẫn còn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để.

Ông Lê Xuân Tùng-Phó Chánh Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: Hàng năm, khoảng giữa tháng 10, UBND tỉnh có Công văn yêu cầu thanh-kiểm tra về việc đảm bảo an toàn tại các bến đò ngang qua sông Ba trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thực hiện công tác này. Năm 2012, qua kiểm tra tại huyện Kông Chro, với các hộ sống hai bên bờ sông sử dụng thuyền nhỏ bằng tôn để đi lại và chở con em đi học, chúng tôi đã đề nghị họ cam kết không hoạt động kinh doanh vận chuyển khách qua sông khi chưa đảm bảo các điều kiện về kinh doanh đò ngang và an toàn giao thông đường thủy.
 

Tình trạng đò ngang hoạt động trái quy định vẫn còn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để. Ảnh: Hồng Thi

Huyện Krông Pa là địa phương có số lượng bến đò tự phát nhiều nhất của tỉnh. Vì thế, công tác quản lý cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo ông Nguyễn Trí Quang-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa, từ năm 2008 đến nay, UBND huyện đã ra nhiều quyết định đình chỉ hoạt động đối với các chủ đò không đảm bảo điều kiện về an toàn giao thông đường thủy nội địa (5 trường hợp vào năm 2008, 6 trường hợp năm 2012). Huyện cũng có văn bản chỉ đạo, đồng thời phối hợp với xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lén lút chuyên chở.

“Cái khó ở đây là các bến đò phát sinh từ nhu cầu sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân từ xã này qua xã kia, mình không thể xử phạt được, mà có cấm thì dân họ cũng cứ đi thôi. Còn tại vị trí cầu Bung, nhiều người dân đêm tối có việc gì đó muốn sang sông hoặc trường hợp đau ốm, sinh nở thì cũng quen đi đò tư nhân. Thế mới nói đình chỉ là một chuyện nhưng chấp hành lại là chuyện khác, tất nhiên chúng tôi vẫn cứ phải theo đúng luật mà làm”-ông Quang cho biết thêm.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hưng-Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Krông Pa, nói thêm: “Trên địa bàn xã hiện có 4 bến đò tự phát tại buôn Lăi, buôn Liên và buôn Luk đều do dân lái, không giấy phép, không đảm bảo an toàn, đa số là phục vụ đi lại cá nhân và chở nông sản. Hễ chúng tôi nhắc nhở, cấm hoạt động thì dân kiến nghị đòi làm cầu để thuận tiện, mà xây cầu đâu phải là chuyện ngày một ngày hai”.
 

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, trước hết người dân phải có ý thức trong việc chấp hành việc mặc áo phao. Ảnh: Trần Dung

Trước nguy cơ mất an toàn tại các bến đò, trong những năm qua, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã trang bị hàng trăm áo phao các loại cho các chủ đò cũng như hành khách khi vận chuyển trên những chuyến đò ngang trên cơ sở đề xuất của các địa phương. Năm 2012, Ban đã cấp khoảng 170 áo phao cho hai huyện Krông Pa và Kbang; năm 2013 là 70 chiếc cho Krông Pa. Tuy nhiên, ý thức chấp hành an toàn giao thông đường thủy của người dân và các chủ đò vẫn còn rất yếu và hạn chế dẫn tới việc quản lý, sử dụng số phương tiện trên chưa hiệu quả.

“Có chúng tôi ở đó nhắc nhở thì dân còn mặc chứ bình thường họ không chịu mặc vì cho là vướng víu. Mùa mưa còn có một số người chấp hành chứ mùa nước cạn là chẳng ai mặc. Những giờ cao điểm, chúng tôi phải nhờ thêm lực lượng công an xã Phú Cần can thiệp hai bên đầu bến để tránh tình trạng người dân chen lấn lên đò cũng như bắt họ mặc áo phao”-anh Hoàng Văn Điệp-Đội phó Đội Công trình Giao thông huyện Krông Pa, đơn vị quản lý trực tiếp bến đò cầu Bung, cho hay.

Tình trạng người dân không mặc áo phao khi sang đò cũng xảy ra ở các bến đò: An Trung (huyện Kông Chro), làng Lợk (huyện Kbang)… Và chính quyền các địa phương này cũng không tránh khỏi những cái khó tương tự khi áo phao thì cấp mà dân thì chẳng chịu chấp hành.
 

Nhiều người dân cho rằng mặc áo phao rất vướng víu và bất tiện. Ảnh: Trần Dung

Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Giao thông Lê Xuân Tùng, việc đào tạo, cấp bằng cho lái thuyền, đò trên địa bàn tỉnh cũng như hạn chế về nghiệp vụ thanh tra cũng dẫn đến bất cập trong quản lý. “Ở tỉnh ta, số lượng người lái đò ít, đi học xa thì họ không có tiền, chúng ta cũng lập tờ trình đề nghị Cục Đường thủy nội địa cho họ học tại chỗ mà chưa được. Hơn nữa, Thanh tra Sở chỉ học nghiệp vụ về thanh tra đường bộ chứ có được học về thanh tra đường thủy đâu. Vì thế, muốn xử lý cho đúng chuyên môn cũng khó lắm”-ông Tùng lý giải.

Như vậy, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, trước hết phải phụ thuộc vào ý thức của các chủ đò và người dân. Song song với đó là trách nhiệm cũng như sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành liên quan, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc cho người dân.

Trần Dung-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm