Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Những “kỹ sư” vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dưới cái nắng chói chang của vùng biên, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Ia Nan (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ). Không chỉ rèn mình dẻo dai trước nắng gió biên cương, cầm chắc tay súng để giữ vững vùng biên của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan còn là những “kỹ sư” của ruộng vườn, tiêu biểu trong phong trào tăng gia sản xuất và làm tốt công tác dân vận.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đối với Đồn Biên phòng Ia Nan là một doanh trại khang trang, sạch đẹp, có sân bóng chuyền, vườn hoa… xung quanh là bao la cao su tiểu điền và những luống  rau xanh tốt.
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Trung tá Nguyễn Minh Tòng- Đồn trưởng cho biết: “Tăng gia sản xuất cũng nhằm mục đích phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Anh em chiến sĩ chúng tôi coi tăng gia là một nhiêm vụ mang tính chất lâu dài và xây dựng thành truyền thống của đơn vị. Để bảo đảm chất lượng bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ trong những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất. Nhờ vậy, đồn đã tự túc được rau xanh 100%.

Hiện nay, đồn có tới 18 con bò và đang nhân rộng mô hình nuôi heo địa phương”. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy khu chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị được quy hoạch khá quy mô và hợp lý. Phía bên trong doanh trại là nơi chăn nuôi gà, vịt, heo,... tiếp đến là ao cá và những khoảnh đất trồng các loại rau xanh như: rau muống, su hào, rau cải, cà chua... Bên cạnh đó, đồn còn phát triển được 9 ha cao su tiểu điền trong quỹ đất của đơn vị, trong đó có 6 ha sẽ cho thu hoạch vào năm 2015.

Dẫn chúng tôi đến thăm khu tăng gia tập trung của đơn vị, Đại úy Lê Anh Tài chia sẻ: “Các chiến sĩ vừa tăng gia vừa tự tìm tòi sách báo, tài liệu hướng dẫn để có thể chăm sóc tốt đàn gà, heo, bò và những vườn rau, ao cá… Tôi vào đây công tác đã gần 3 năm, song song với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tôi được giao phụ trách khu tăng gia. Tôi rất hài lòng với nhiệm vụ này”.

Từ lâu, những chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ia Nan đã trở thành tình yêu và niềm tự hào của người dân trong vùng. Đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện cảm hóa những con người một thời lầm đường lạc lối của các chiến sĩ mang quân hàm xanh. Nghe theo lời xúi giục của các đối tượng phản động sống lưu vong tại nước ngoài, năm 2004, chị Siu H’Tem (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cùng một số thanh-thiếu niên kém hiểu biết đã tìm cách vượt biên sang Campuchia để từ đó được đi sang nước khác.

Trong chuyến đi đầy bất trắc đó, họ đã phải luồn rừng, nằm trong giá lạnh, chống chọi lại cái đói, cái rét để rồi cả nhóm bị đưa vào trại tập trung ở Campuchia. Tại đây họ phải chịu đựng cuộc sống cơ cực như bị giam lỏng, chỉ biết nhìn nhau và tự trách mình. Sau 2 năm sống tập trung nơi đất khách quê người, Siu H’Tem cùng nhóm thanh niên trên và một số người dân nhẹ dạ cả tin đã được đưa về nước với sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam để họ ổn định cuộc sống.

Trong căn nhà xây khang trang, ngồi bên cạnh người mẹ già, chị H’Tem kể lại: “Hai năm sống ở trại tập trung ở Campuchia, tôi chưa một ngày được ăn no, ăn ngon như ở làng mình. Khi được trở về nước, những người đầu tiên gặp, động viên, giúp đỡ tôi là các anh Bộ đội Biên phòng. Chính các anh đã giúp tôi hiểu thêm về giá trị cuộc sống, về tình yêu thương của buôn làng. Cũng từ đó, Bộ đội Biên phòng dạy tôi cách trồng và chăm sóc cây mì, cà phê… Nhờ đó mỗi năm tôi có thu nhập được gần 20 triệu đồng. Số tiền này tôi gom góp dùng để xây nhà và chăm sóc mẹ già. Tôi luôn tự hứa với lòng mình không bao giờ nghe theo kẻ xấu xúi giục, phải sống thật tốt với các anh bộ đội và dân làng của mình”- chị H’Tem nói trong xúc động.

Thời điểm hiện tại, xã Ia Nan còn 51 người vắng mặt do vượt biên, cùng với đó một số thanh niên lười biếng thích hưởng thụ, nghe lời xúi giục sử dụng chất ma túy, kéo theo đó là các hoạt động tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Từ năm 2011 đến nay, cán bộ chiến sĩ của đồn đã kịp thời phát hiện, bắt giữ và khởi tố 2 đối tượng tàng trữ ma túy trên địa bàn. Trong 3 năm qua, đơn vị đã xây dựng 20 căn “Nhà tình thương” cho bà con dân làng và 2 nhà “Đoàn kết hữu nghị” cho làng Lâm thuộc xã Pó Nhầy của nước bạn Campuchia.

Những “kỹ sư” của Đồn Biên phòng Ia Nan đã thực sự đem một làn gió mới về tinh thần lao động cũng như tình người, tình đồng chí tới miền đất vùng biên đầy nắng gió này.

Nguyễn Giác-Trần Dung

Có thể bạn quan tâm