Bài cuối: Nói không với thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với những quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện đảm bảo để phòng-chống tác hại của thuốc lá thì có một cách khác, không tốn kém lại triệt để hơn rất nhiều, đó là: bỏ thuốc lá. Vấn đề đặt ra ở đây là: Việc cai nghiện khó hay dễ?

Cần có quyết tâm

Thực tế cho thấy, một khi đã tập tành thuốc lá, rồi bắt đầu nghiện, người hút thuốc lá luôn có… 1.001 lý do để biện minh cho việc đều đều hàng ngày “đốt” hết 1-2 gói thuốc của mình như: hút trong khi buồn, khi căng thẳng, hút để tạo cảm hứng làm việc, hút theo thói quen, hút thuốc lá ít tốn kém… Người đang hút thuốc thì có vô vàn lý do để đeo đuổi việc này, nhưng đối với những người đã từng nghiện và bỏ được thuốc lá, thì họ cho rằng: Bỏ thuốc lá không khó, nếu có quyết tâm, nghị lực để nói “không” với thuốc lá.

 
Biển cấm hút thuốc lá sẽ là vô hiệu, nếu người hút không có quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Ảnh: Lê Ngọc

Nhưng trên thực tế, sự quyết tâm của những người cai nghiện thuốc lá thành công lại được xuất phát từ những gì thân thương nhất trong cuộc sống; phần lớn là từ việc ý thức được tác hại của hút thuốc lá và sự quan tâm đối với những người thân trong gia đình. Anh T.V.N. (28 tuổi, phường Tây Sơn, TP. Pleiku-nhân vật yêu cầu giấu tên-N.V) chia sẻ: Tôi hút thuốc từ năm học lớp 8, có thể nói là đã nghiện, mỗi ngày hút khoảng 1 gói đến gói rưỡi. Khi có người yêu, tôi vẫn thường xuyên hút thuốc lá; tuy nhiên đến khi tôi ngỏ ý chuyện cưới xin thì cô ấy nói, nếu tôi bỏ được thuốc thì sẽ đồng ý. Tôi cứ tưởng cô ấy nói đùa nên tính chuyện bỏ qua nhưng sau rất nhiều lần nghe cô ấy phân tích, tôi thấy đúng và quyết tâm bỏ thuốc lá, đến nay cũng đã được hơn 8 năm rồi…

Cũng như anh N., ông L.V.T. (53 tuổi, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) là người hút thuốc lào trong suốt hơn 20 năm. Từ năm 2001 đến nay, ông đã bỏ được thuốc, nhờ vào lòng quyết tâm. Ông T. bày tỏ: “Năm 2001, tôi thấy báo đài nói nhiều đến tác hại của thuốc, vừa hại sức khỏe của mình, hại sức khỏe của người khác và cũng tốn không ít tiền nên quyết tâm bỏ. Tuy rất khó khăn, nhiều lúc thấy thuốc thì thèm lắm nhưng tôi quyết phải bỏ bằng được, cộng thêm sự ủng hộ của vợ con nên tôi bỏ được hẳn. Trong xã hội, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người đã từng bỏ thuốc mà không dứt hẳn được, cái chính là do quyết tâm không cao. Theo tôi, chúng ta chưa cần nghĩ tới những điều to tát, chỉ cần nghĩ cho bản thân và gia đình của chính mình là sẽ bỏ được thôi”.

Coi trọng sức khỏe con người

Trao đổi với P.V về những tác hại của việc hút thuốc lá, bác sĩ Ye Thiên Pẩu-Trưởng phòng Kế hoạch chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai khẳng định: Hút thuốc lá rất có hại đối với sức khỏe con người. Hút thuốc lá sẽ làm biến đổi da, răng, tóc và những bộ phận khác của cơ thể để tạo ra vẻ ngoài già hơn so với tuổi thực. Nó cũng tác động tới những bộ phận ẩn sâu trong cơ thể, từ khả năng sinh sản đến sức khỏe tim mạch, phổi và hệ xương. Nguy hại hơn, hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến 4 bệnh lý làm tử vong cao, gồm: nhồi máu cơ tim, ung thư, tai biến mạch máu não và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cùng với những tác hại gây ra cho người trực tiếp hút thuốc lá thì hút thuốc lá thụ động mà khói thuốc đem lại cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.
 

 

Đề cập đến việc cai nghiện thuốc lá, bác sĩ Ye Thiên Pẩu cho rằng, việc cai nghiện thuốc lá rất khó khăn nhưng nếu nói không thể thì không đúng, bởi điều này phụ thuộc phần lớn vào bản lĩnh của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bỏ được thuốc lá, người đang hút thuốc sẽ cải thiện được rõ rệt tình trạng sức khỏe của mình.

Bác sĩ Ye Thiên Pẩu còn cung cấp thêm thông tin: Đối với người nghiện thuốc lá, chỉ sau 20 phút nói “không” với thuốc lá, huyết áp và nhịp tim sẽ trở lại bình thường; trong 24 giờ sau đó, nguy cơ đau tim bắt đầu giảm xuống. Trong những tuần đầu tiên sau khi cai, các lông nhỏ trong phổi bắt đầu làm nhiệm vụ “quét sạch” kích thích ra khỏi phổi; trong vòng 1 năm sau đó, nguy cơ mắc bệnh tim giảm xuống một nửa và sau 10 năm không hút thuốc thì nguy cơ tử vong vì ung thư không khác so với người không bao giờ hút thuốc.

Thái Bình-Lê Ngọc

Có thể bạn quan tâm