Bài cuối: Phô trương... tang quyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chu đáo, trang nghiêm, gọn gàng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời, không lãng phí, hiếu danh… là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT (từ ngày 15-3-2011 được thay thế bằng Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL) của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, sau khi Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống. Mặc dù đã qua 15 năm thực hiện Chỉ thị này, nhưng xem ra cái tinh thần chung ấy vẫn còn là điều quá xa xôi.

“Ma trận”…

Nghĩa trang cũ của Pleiku từ lâu đã được người dân xem như “một thành phố thu nhỏ”, bởi “hạ tầng kiến trúc” quá phô trương của nó. Đến nghĩa trang lần nào, chúng tôi cũng bị rợn ngợp bởi sự đầu tư xây cất phần mộ của thân nhân người quá cố.

 

Một đám tang trên đường phố Pleiku. Ảnh: Thu Huế

Đưa tang người bác vào chiều 6-3, anh H. sau một hồi ngần ngừ khi thấy chúng tôi hỏi quá kỹ chuyện gia đình mình nhưng lại có phần yên tâm trước vẻ mặt thiểu não và câu nói của chúng tôi: “Tôi hỏi để tham khảo về xây mộ cho người nhà” thì vung tay chỉ vào một ngôi mộ gần đấy: “Gia đình tôi chắc cũng xây mộ theo mẫu này, tuy nhiên phần nguyên vật liệu thì sẽ lựa chọn kỹ càng, chắc cũng tiêu vài trăm triệu đồng…”.

Không biết độ tin cậy trong lời nói của anh H. đến mức nào, chúng tôi đến Nghĩa trang Trà Đa-nghĩa trang mới của thành phố. Tìm hiểu tại đây thì được biết, hầu hết các phần mộ tại khu vực nghĩa trang mới này đều có diện tích khoảng 6 m2, có 10 mẫu mộ để người dân lựa chọn, tùy thuộc vào túi tiền của mỗi người; đơn giản, thô sơ thì 5-10 triệu đồng; dùng tới đá tím Khánh Hòa, đá hồng Gia Lai thì lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là có những gia đình, vì động cơ hiếu danh mà lấy việc xây mộ cho người thân để “thể hiện đẳng cấp”.

Xây mộ to và trước đó, tổ chức đám tang trong nhiều ngày, khi đưa tang thì rình rang qua nhiều phố, thuê mướn xe ô tô để có thêm nhiều người đưa tiễn thân nhân… và vô vàn chuyện khác nữa quanh chuyện tổ chức việc tang đã và đang là một thực trạng đáng bàn trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng, các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Đơn cử có người, vì bị cuốn vào “ma trận” này mà gia đình đã khó khăn nhưng vẫn lại cố bày vẽ, tổ chức đám tang người thân sao cho bằng bạn bằng bè.

Cũng có người, vì chạy theo những tập tục không cần thiết, khiến anh em ruột cãi nhau trong đám tang, sau đó, mạnh ai nấy làm, để lại tiếng cười chê. Là “nạn nhân” trong chuyện này, ông A. (nhân vật xin giấu tên) ở một xã của huyện Chư Pưh vẫn không giấu được vẻ ngậm ngùi khi kể lại cùng chúng tôi chuyện gia đình: “Cũng vì thiếu hiểu biết, mấy anh em không thống nhất được cách tổ chức đám tang cho người nhà, người bảo phải thuê đội kèn, người đòi quay phim, chụp ảnh, người lại nói phải đi qua bao nhiêu đoạn đường, mọi người trong gia đình phải vái lạy, hoặc xe tang tiến ba bước, lùi một bước… nên anh em chúng tôi cãi nhau; rồi mỗi người mỗi ý tự bỏ tiền riêng ra làm theo ý mình, hàng xóm góp ý thế nào cũng không nghe. Chuyện qua đã cả chục năm rồi, bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ân hận”.

Bỗng dưng bị làm phiền

Một ngày tháng 3, chúng tôi hòa trong dòng người và xe đưa tiễn một người chưa quen về nơi an nghỉ cuối cùng tại khu vực nghĩa trang cũ của TP. Pleiku. Nhập đoàn từ ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân, nhìn lên để tận thấy chiếc xe tang mà chúng tôi thấy mỏi cả mắt,vì đoàn xe ô tô quá dài. Đường Hùng Vương bỗng nhiên trở nên chật chội, cảm giác như “tắc đường cục bộ” đến nơi.

Những người tham gia giao thông cũng ý thức được việc nhường đường cho xe tang đi, nhưng không phải cũng không có người cảm thấy bị làm phiền. Hỏi một người đang đi cùng chiều với đoàn đưa tang: “Đám tang nhà ai mà nhiều xe thế anh” thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tôi không rõ, tôi là người đi đường, đang có việc gấp, đang tìm đường để đi cho nhanh đây”. Tương tự thế, ở ngã tư Nguyễn Thái Học-Hùng Vương; sau khi chờ gần 10 phút mà đoàn xe đưa tang vẫn chưa đi qua hết để đem sách vở cho con học ở Trường Tiểu học Cù Chính Lan, phía  bên kia đường Nguyễn Thái Học; chị Nhung-một người qua đường nhăn nhó: “Biết thế này tôi cứ chen ngang đoàn xe từ nãy cho rồi”.

Trước đó ít ngày, chúng tôi chứng kiến cảnh đưa tang một đám ma, sau khi vòng qua bùng binh Hoa Lư để rẽ vào đường Nguyễn Tất Thành đã để lại trên đường vô vàn vàng mã. Bình thường, nếu thấy cảnh này, chắc cùng lắm cũng chỉ là chuyện nhiều người dân lắc đầu ngán ngẩm vì vàng mã được rải nhiều quá, gây mất mĩ quan đường phố. Tuy nhiên, hôm đó lại là một ngày cả gió, hậu quả là một người đi đường té ngã vì vàng mã bay vào mặt. Ông T. (nhân vật đề nghị không nêu tên) không giấu vẻ bực bội khi nói chuyện cùng chúng tôi: “Thật không thể nào chịu nổi cảnh này. Tôi vẫn biết là việc đốt và rải vàng mã là một phong tục của tổ tiên, tuy nhiên việc đốt rải vàng mã quá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường sống, lãng phí tiền của thì ngành chức năng phải chấn chỉnh chứ”.

Xung quanh chuyện “bị làm phiền” này, chúng tôi muốn kể thêm câu chuyện của ông Phạm Văn Nguyện-nhà ở xã An Phú (TP. Pleiku)-một người đồng hương với chúng tôi. Vài hôm trước khi chúng tôi tới nhà chơi, vui chuyện, ông kể: “Mấy ngày nay bà nhà tôi mất ngủ vì gần nhà có đám ma. Đã đành là gia đình hàng xóm của tôi có điều kiện, tổ chức tang ma linh đình, thể hiện lòng thành của con cháu là chuyện cũng nên làm, nhưng việc cử nhạc tang quá đỗi ồn ào từ 5 giờ sáng hôm trước và tới 23 giờ, lại kéo dài trong mấy đêm như thế là điều không nên. Chẳng cứ tôi, mà có nhiều người dân khác cũng than phiền về việc này”.

Thu Huế-Lê Ngọc

Có thể bạn quan tâm