Phóng sự - Ký sự

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...

Buổi tối kinh hoàng

“Buổi tối 9/9, gió giật đùng đùng, nước sông Hồng dâng lên từng phút. “Phải khẩn trương rời khỏi bãi, không thì nguy hiểm lắm”, tôi hò hét bà con xóm Phao thoát khỏi bãi giữa càng nhanh càng tốt. Cứ đi đã, còn đi đâu thì chưa biết. Người già và trẻ con đi trước, thanh niên đi sau. Có cả một bà mẹ trẻ có con nhỏ 4 tháng tuổi cũng bế con chạy”. Tại một nhà nghỉ trên đường Nghi Tàm, ông Nguyễn Đăng Được nhớ lại cuộc chạy lũ lịch sử của dân xóm Phao tối 9/9 vừa qua.

Ông Được bảo, đã mấy chục năm sống dập dềnh ngoài bãi, chưa bao giờ nước lên khủng khiếp đến thế. Lúc đầu người dân nghĩ sau khi cơn bão Yagi quét qua, nước sông chỉ dềnh lên rồi rút như mọi bận. Thế nên, trước bão vài ngày, dù công an phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên đã tuyên truyền vận động người dân neo đậu nhà phao chắc chắn và di chuyển lên bờ tránh bão, nhưng ai cũng chép miệng bảo, nước lên đến đâu thì nhà nổi đến đấy. Đến khi thấy mưa tuôn, gió giật, nước dâng cao chóng mặt mới thấy hãi. Con sông Hồng ngày thường yên bình là thế mà lúc đó đỏ lừ, những xoáy nước sâu hút sùng sục vào bờ.

Bãi giữa sông Hồng tiêu điều sau bão Yagi.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, Đại úy Đỗ Xuân Dũng - cán bộ Công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết: “Tôi gọi điện cho bác Được liên tục để phổ biến phương án di dời dân khi bão lũ, hối thúc ông bảo bà con rời bãi. Vì tôi biết dân xóm Phao có tâm lý cố ở lại để giữ nhà. Rất may là 41 hộ dân với 112 nhân khẩu ở xóm Phao đã an toàn. Mấy ngày qua có nhiều cơ quan, tổ chức thông qua công an phường hỗ trợ gạo, chăn màn cho bà con. Nhưng, vì chưa có chỗ ở nên họ còn gửi một chỗ, chưa biết mang đi đâu”.

“Lúc cơn bão vừa quét qua, cả xóm Phao tan tác. Cây cối đổ rạp, những tấm tôn - vật liệu chủ yếu để dựng nhà của người dân bãi giữa nằm ngổn ngang, những mái lều mỏng mảnh, tạm bợ nay trơ trọi, rách nát. Nhà phao thì cái bị lật, cái bị trôi. Chưa kịp vá víu, chằng buộc lại thì cơn lũ ào đến nhấn thêm lần nữa, thành ra xóm Phao chẳng còn gì”, chị Trần Thị Phúc - người dân xóm Phao than thở. Trước, xóm Phao “nổi tiếng” với “ba không”, là không điện, không nước sạch, không giấy tờ tùy thân. Giờ, thì những cái “không” sao có thể liệt kê nổi nữa.

Rất kịp thời là tối hôm ấy, dân xóm Phao rời bãi thì được Tổ chức Trẻ em Rồng xanh hỗ trợ chỗ ăn nghỉ an toàn tại nhiều địa điểm từ hôm đó đến nay. Ở nhà nghỉ, ngày ngày ngóng về bãi giữa, lòng người xóm Phao như lửa đốt. “Trong lúc gấp rút, chúng tôi bỏ lại hết đồ đạc. Giờ còn mỗi người không”, ông Được tổng kết. Mấy hôm nay tạnh mưa, nước rút dần, trời nắng gắt oi nồng, bùn đất quánh lại. Người dân dò dẫm về xóm cũ xem còn gì sót lại. Con đường bê tông nhỏ chạy ngoằn ngoèo giữa đồng bãi ngút ngát mọi khi nay mất dạng. Lớp bùn dày đặc không bước nổi, phải gạt bùn lấy lối đi, lội ra chỗ nhà mình. Tất cả tan hoang, tiêu điều như ở thời hỗn mang dù chỉ cách trung tâm Hà Nội chỉ chừng hơn cây số.

Chỉ còn hai bàn tay trắng

Nhìn cả một vùng bãi chỉ có bùn đất phủ đầy, ông lão Được tiếc xót lắm. Ông bảo: “Ngoảnh đi ngoảnh lại mà cũng đã hơn 40 năm tôi uống nước sông Hồng. Quê tôi ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bên bờ sông Gianh. Sau thời gian đi bộ đội, tôi rời quê lang thang ra Bắc. Cuộc rời đi ấy, một đi không trở lại. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Thủ đô, ấy là năm 1978”.

Tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ người dân tìm kiếm những gì còn sót lại sau bão lũ.

Ánh mắt xa xăm, người đàn ông sinh năm 1947 nhớ về Hà Nội thời bao cấp khốn khó trăm bề. Ngày ấy, để mưu sinh, ông làm đủ thứ việc. Ban ngày thì xách nước, xếp hàng hứng nước thuê. Tối đến, ông lần tìm ra bờ sông Hồng tắm giặt, rồi căng bạt ngủ ở bãi sông. Cứ thế, ông trở thành một trong những người đầu tiên ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng. Rồi những người dân tứ xứ do cuộc sống khốn khó dạt về đây.

“Đất bãi này là của người làng thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên. Chúng tôi chỉ ở nhờ, không có đất trồng trọt và dựng nhà dựng cửa nên đành ghé phận đời nơi mép nước sông Hồng. Xóm này mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có điểm giống nhau là đều rời quê hương một đi không trở lại. Nhiều cặp vợ chồng nên duyên ở đây, lấy nhau rồi sinh con đẻ cái. Tôi với bà nhà tôi cũng gặp nhau và về ở với nhau ở bãi giữa này”, ông Được kể.

Ở xóm Phao, thanh niên gọi ông Được là “bố”, xưng “con”, còn bọn trẻ con thì gọi “ông” xưng “cháu”. Ai cũng tôn trọng ông, vì ông cũng là người có trách nhiệm, luôn bao bọc họ và có tiếng nói ở đây. “Tôi đi đâu thì dân của tôi đi đấy”, ông thường nói một cách đầy bao bọc như thế với tư cách là trưởng xóm do bà con bầu đã mấy chục năm. Cái tên xóm Phao cũng là do ông đặt, nghe đã thấy nổi nênh, trôi dạt. Bởi họ sống trong những mái lều nổi trên thùng phuy sát bờ sông Hồng. Tuy sống trên mặt sông nhưng dân xóm Phao không ai gắn với nghề chài lưới, mà làm đủ thứ việc trên bờ, từ bốc vác, làm thuê đến nhặt đồng nát.

Trước năm 2000, dân xóm Phao không có giấy tờ tùy thân, trẻ con sinh ra không có hộ khẩu, không giấy khai sinh, không được đến trường. Điều đó khiến ông trăn trở. Không thể để cái đầu của bọn trẻ rỗng tuếch không chữ nghĩa, ông dựng lán dạy bọn trẻ học chữ. Rồi ông lại nghĩ, chúng không thể quẩn quanh trong lớp xóa mù này mãi được, chúng phải đến trường. Ông ra sức động viên các gia đình, cùng họ về quê xác minh lý lịch, làm cơ sở đăng ký giấy khai sinh cho trẻ con. Giờ thì lũ trẻ ở đây đều được đi học, là tương lai của xóm Phao.

Gia đình ông Được là hộ duy nhất ở trên bờ, được coi người “giàu” nhất xóm. Là vì ông bỏ tiền dành dụm thuê lại mảnh đất để dựng lều. Trong căn lều “khang trang” nhất xóm của ông bà Được, tất cả mọi thứ đồng nát sắt vụn đều hiện diện ở đây, ghép nối, đan díu lại với nhau, từ vải bạt, chăn màn cũ, biển quảng cáo, bàn ghế mà người ta vứt đi thì ông nhặt về.

“Sông Hồng đã từng cướp đi đứa con gái của tôi. Ấy là năm 2004, trưa hè, vợ tôi mang con ra sông tắm. Đứa con trai đang bò lê la ở bờ sông, đứa con gái lớn tầm 9-10 tuổi bám chậu tập bơi. Nước liệng vào chậu, chậu chìm, con tôi cũng chìm theo. Tiếng kêu thất thanh của con gái đau xé lòng. Tôi lao xuống tìm con. Vớt xác con lên, đem sang bãi tha ma của làng chôn nhờ. Bây giờ, nước sông lại nhấn chìm cuộc sống của tôi một lần nữa. Giờ tôi chỉ còn hai bàn tay trắng”, giọng ông Được méo xệch.

Khi nước ngập đến ngọn cây chuối cao vổng ngoài bãi, nhà ông chả còn gì. Trước, ông bỏ công bỏ sức dựng phòng làm thư viện đọc sách, lớp học tiếng Anh miễn phí cho bọn trẻ vào dịp cuối tuần. Khoảng đất thuê, ông dành một phần làm khu vui chơi sinh động, đầy màu sắc với cầu trượt, xích đu... Mảnh vườn này là nơi đáng sống nhất của 37 đứa trẻ ở bãi giữa hoang vu, nghèo đói này. Đến cả trẻ con ở phố thị nội thành Hà Nội cũng được bố mẹ, thầy cô đưa sang đây leo trèo, đào đất, tập làm vườn. Vậy mà bây giờ chỉ còn là một khoảng nước lớn, không biết lấy đâu ra tiền để gây dựng lại như cũ.

Ông Được bỗng im lặng, gương mặt già nua, gân guốc buồn não nề. Ông bảo lòng ông còn lấn cấn, còn muốn làm nhiều việc cho xóm Phao này, nhưng đã gần 80 tuổi, sức đã tàn, thành ra lực bất tòng tâm. Chỉ mong các nhà hảo tâm hỗ trợ cho dân xóm Phao dựng lại túp lều và có vật dụng sinh hoạt để tiếp tục cuộc sống.

Cần một giải pháp dài hơi

Tối hôm chạy lũ, khổ nhất là nhà ông Nguyễn Văn Thành năm nay đã 88 tuổi. Ông Thành thì điếc đặc, còn bà vợ tên Thủy 86 tuổi thì mù lòa, sống ở nhà phao bao năm nay. Bão về, nhà lắc lư nghiêng ngả, bà vợ không thể bơi lội như những người dân trong xóm nên ông Thành lo lắm. Đã có lúc, ông định cõng bà lên bờ cho an toàn. Nhưng lại sợ nhà bỏ lại bị trôi đi mất thì tiếc lắm. Vậy là ông bà quyết bám trụ ở bãi giữa, phải mất rất nhiều công thuyết phục mới có thể đưa được ông bà vào bờ.

Anh Đỗ Duy Vị, Giám đốc điều hành Tổ chức Trẻ em Rồng xanh hỗ trợ bà con bãi giữa dọn dẹp sau cơn lũ.

Những ngày qua là khoảng thời gian lâu nhất người dân xóm Phao được ở trên bờ. Lâu lắm rồi họ mới được ngủ trong một căn phòng chắc chắn, không chòng chành, không lo gió mưa bên ngoài. Nhưng, lòng họ lại không yên, bởi bọ nghĩ đến lúc rời nhà nghỉ, họ sẽ đi đâu? Những căn nhà được dựng tạm bợ là tài sản quý giá nhất với họ, là chỗ trú mưa, trú nắng hằng ngày nay không còn. Xoong nồi, bát đĩa, quần áo đã cuốn theo dòng nước. Xe máy cũ để mưu sinh nằm chìm trong bùn lầy, lấy đâu ra tiền mà sửa. Ngoài bãi không có điện, trước họ sống nhờ vào tấm pin năng lượng mặt trời, giờ cũng bay ra sông cả. Công việc không ổn định, miếng cơm còn phải lo từng bữa thì cuộc sống phía trước không biết tính sao.

Mấy hôm nay, cùng với người dân xóm Phao còn có các tính nguyện viên của Tổ chức Trẻ em Rồng xanh sang bãi giữa mở đường đi lối lại, dọn dẹp. Trong đó có rất nhiều tình nguyện viên nước ngoài. Anh Đỗ Duy Vị - Giám đốc điều hành Tổ chức Trẻ em Rồng xanh cho cho chúng tôi biết: “Khi lũ tràn về, người dân xóm Phao đều có tâm lý tiếc xót vật nuôi như chó, mèo, gà. Đó là tài sản của họ, nên họ cứ nấn ná. Chúng tôi phải kiên trì vận động và có sự kết hợp với công an phường, UBND các phường mới có thể đưa bà con lên bờ an toàn. Hiện tại tất cả người dân xóm Phao vẫn đang được Tổ chức Trẻ em Rồng xanh hỗ trợ chỗ ở và cơm ăn hằng ngày”.

Là người triển khai nhiều dự án thiện nguyện giúp người dân và trẻ em nghèo, anh Vị chia sẻ: “Được sống ổn định, thoát kiếp sống lênh đênh vẫn là niềm mong mỏi lớn nhất của người dân xóm Phao. Không phải họ không muốn lên bờ, mà họ không dám lên bờ. Vì nếu lên thì họ ở đâu. Vậy nên họ chỉ có cách quay về bãi cũ”. Sau lũ, môi trường ngoài bãi rất ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân khi quay trở lại đây sinh sống. Bài toán tái thiết lại cuộc giúp được người dân xóm Phao thật sự nan giải.

Người dân ở đây đều xa quê đã lâu và không có ý định quay trở lại quê hương. Cuộc sống tạm bợ, ngày nối ngày, công việc bấp bênh, thu nhập thấp nên không ít người bị tổn thương, sang chấn về tinh thần. Bởi thế, để thay đổi được hoàn cảnh sống của họ cần đến những giải pháp dài hơi, để những đứa trẻ lớn lên phải được học hành, có công ăn việc làm ổn định, vòng xoáy đói nghèo sẽ không còn lặp lại.

Theo Huyền Châm (CANDO)

Có thể bạn quan tâm