Phóng sự - Ký sự

Phố độc lạ ở TP.HCM: Hơn 3 thập kỷ rực rỡ phố biển hiệu Lương Hữu Khánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tọa lạc trên đường Lương Hữu Khánh (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM), phố biển hiệu dài chưa tới 500 mét nhưng có hơn 50 cửa hàng chuyên dịch vụ bảng hiệu, tạo nên nét độc đáo giữa lòng thành phố.

Dạo quanh trên đường phố Sài Gòn, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biển hiệu đủ màu sắc, hình ảnh. Từ chất liệu inox tinh xảo đến neon rực rỡ. Mỗi tấm biển không đơn thuần chỉ để quảng cáo mà còn là một câu chuyện, lưu giữ một phần ký ức của thành phố.

Phố biển hiệu giữa trung tâm Q.1

Chúng tôi đến phố chuyên biển hiệu đường Lương Hữu Khánh vào ngày 3.11; có thể đến đây từ đường Nguyễn Thị Minh Khai hoặc đường Nguyễn Trãi... Chạy xe buổi chiều dưới ánh nắng vàng nhạt hắt qua lưng, sẽ thấy các dãy nhà sát nhau. Chúng tôi đếm ước chừng có hơn 50 cửa hàng chuyên về dịch vụ làm bảng quảng cáo, khắc chữ, huy chương, bằng khen…

Đa số các cửa hàng ở đây là các ki ốt với diện tích khá khiêm tốn, rộng chừng 15 m2, vừa làm nơi trưng bày vừa là không gian để sản xuất biển hiệu tại chỗ.

Khác với sự tấp nập của các tuyến đường khác ở Q.1, phố biển hiệu mang đến một không gian yên bình, nơi những người “nghệ nhân” hằng ngày vẫn miệt mài tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.

pho-doc-la-dd.jpg
Trên đường Lương Hữu Khánh có hơn 50 cửa hàng chuyên dịch vụ biển hiệu. ẢNH: UYỂN NHI

Hỏi thăm chủ tiệm của nhiều cửa hàng, đa số là những người ngoài tỉnh đến mở cửa hàng lập nghiệp. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Vân (53 tuổi, quê ở Đồng Tháp), là một người chế tác trong gia đình 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ lửa nghề làm bảng hiệu cho rằng, “phố biển hiệu" thật sự ngày xưa ở đường Phạm Hồng Thái (Q.1), nhưng thành phố có kế hoạch xây một khách sạn lớn trên đường này nên những người gia công đã chuyển về đường Lương Hữu Khánh.

Không ai nhớ rõ cụ thể năm nào người ta “di dân" phố biển hiệu, chỉ nhớ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước; lúc đó đường Lương Hữu Khánh là một đường ray bị bỏ hoang. Ban đầu chỉ lác đác vài ki ốt, rồi những cửa tiệm tương tự mọc lên ngày càng nhiều. Từ đó, đường này được mệnh danh là “phố biển hiệu" hay “phố khen thưởng" của TP.HCM và là điểm đến quen thuộc của các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng...

Kể về thăng trầm của nghề, bà Vân trầm ngâm một lúc rồi nhớ lại, những năm 2010 - 2018 được xem là thời “hoàng kim" của nghề biển hiệu. Nhưng sau đợt dịch Covid-19, nhiều công ty, doanh nghiệp đóng cửa nên thị trường tiêu thụ trong nước cũng vơi dần. Cộng với sự cạnh tranh từ các cửa hàng online khiến nhiều thợ chuyển nghề hoặc cho thuê lại tiệm. Hện, phố biển hiệu không còn tấp nập như trước mà rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài.

Tuy nhiên, bám nghề từ lâu, nhiều tiệm cũng có mối và khách quen cho riêng mình. Như cửa hàng của bà Vân, bảng hiệu của bà còn xuất khẩu ra nước ngoài như: Úc, Mỹ, Thái Lan…

2kt.jpg
Bảng hiệu có giá dao động từ 100.000 đồng đến vài chục triệu đồng. ẢNH: UYỂN NHI

Bà Vân kể, hồi trước, các cửa hàng biển hiệu chuyên thiết kế và vẽ bằng tay. Nhưng vì yêu cầu của thị trường và công nghệ ngày càng phát triển nên đã chuyển từ dịch vụ vẽ tay sang thiết kế bằng máy móc. Tuy nhiên, nếu có yêu cầu thì các cửa hàng vẫn sẵn sàng vẽ tay chiều theo sở thích của khách.

Bảng hiệu ở các cửa hàng trên đường Lương Hữu Khánh được làm bằng nhiều chất liệu như: inox, mica, gỗ, alu… Giá dao động từ 100.000 đồng đến vài chục triệu đồng; tùy theo độ lớn nhỏ, chất liệu, độ dày và cách thiết kế.

"Làm biển hiệu cũng là một nghệ thuật"

Ông Nguyễn Ngọc Sang (53 tuổi, chủ tiệm Ngọc Sang) là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 3 đời làm biển hiệu cho rằng đây là nghề "cha truyền con nối".

Hơn 35 năm gắn bó với nghề làm biển hiệu, ông Sang chia sẻ rằng để theo đuổi nghề này cần có sự yêu thích. Bởi nó không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, đầu óc thẩm mỹ mà còn cần kiến thức về cơ khí, mỹ thuật...

Ông Sang nói, nhiều người nghĩ công việc này đơn giản, nhưng thực tế người thợ phải tinh tế trong cách chọn kiểu chữ, màu sắc, vật liệu, bố cục; thành thạo các kỹ năng như cắt, dán và lắp đặt hệ thống ánh sáng cho biển quảng cáo. Chứ không phải học "ngày một ngày hai" có thể thành thạo và làm được.

3ps.jpg
Ông Sang nói, nghề làm biển hiệu ai thực sự thích và đam mê mới làm được. ẢNH: UYỂN NHI

Ngoài ra, nghề này còn yêu cầu tính tỉ mĩ và sự kiên nhẫn. Bởi, khi người thợ nhận đơn hàng thì cần biến ý tưởng của khách thành hiện thực. “Chúng tôi cần tư vấn kỹ lưỡng để đảm bảo đúng ý khách hàng. Hiện nay máy móc đã hỗ trợ rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải tự thiết kế, thực hiện các công đoạn như sơn thủ công và dán sao cho thẳng hàng, đẹp mắt. Đó cũng chính là một nghệ thuật,” ông Sang tâm sự.

Chia sẻ với chúng tôi, nhờ nghề làm biển hiệu mà vợ chồng ông có thể nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Ông cũng tự hào khoe rằng đứa con lớn của ông đang học trường Đại học Kinh tế TP.HCM và chuẩn bị ra trường. Ông Sang lo lắng nghề của mình sẽ không có thế hệ kế thừa vì các con của ông không ai có ý định theo đuổi công việc làm bảng hiệu.

Cách cửa hàng của ông Sang không xa là tiệm của gia đình anh Đức Quang (21 tuổi). Anh Quang nói mình theo cha đi lắp ráp biển hiệu từ năm học lớp 4. Nhờ niềm yêu thích nên học xong lớp 12, anh đăng ký khóa học thiết kế đồ họa rồi "dính" luôn nghề làm biển hiệu.

"Cần học bao lâu thì mới làm được bảng hiệu?", chúng tôi hỏi. Anh Quang cười rồi nói: “Nghề này có đam mê, yêu thích mới học và làm được, không thì nhanh chán lắm. Như tôi học hơn 1 năm thì có thể làm thành thạo. Ngoài ra, nghề này cũng giống như "làm dâu trăm họ" bởi phải làm đúng ý kiến của khách hàng. Nếu có sơ suất thì phải sửa đến chục lần khách cũng chưa ưng ý".

4psu.jpg
Anh Quang đang làm bảng hiệu cho khách. ẢNH: UYỂN NHI

Những con phố "độc" như Lương Hữu Khánh âm thầm lưu giữ một nét đẹp riêng của TP.HCM. Suốt hơn ba thập kỷ, nghề làm biển hiệu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, phản ánh sự thay đổi và trưởng thành của thành phố.

Mặc dù công nghệ hiện đại đã xuất hiện, nhưng sự tỉ mỉ và tâm huyết của những người “nghệ nhân” vẫn luôn là yếu tố quyết định tạo nên những biển hiệu đẹp mắt, mang tính nghệ thuật cao. Giữa nhịp sống hối hả, chúng ta vẫn có thể tìm thấy một phần "hồn" của thành phố qua những biển hiệu…

Theo Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm