Thời sự - Bình luận

Bài học "An dân" thời COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống người dân. Đây cũng là lúc có nhiều chính sách nhằm yên lòng dân, giữ sức dân được thực thi.

 

 Thủ tướng thăm hỏi và động viên người dân đang thực hiện cách ly phòng chống dịch tại Đồng Nai. Ảnh: VGP
Thủ tướng thăm hỏi và động viên người dân đang thực hiện cách ly phòng chống dịch tại Đồng Nai. Ảnh: VGP


Bài học từ lịch sử

Sách sử ghi lại, năm 1407, Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi với chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư thị lang, cũng bị giặc Minh bắt và giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan, rồi vâng lời cha quay về nuôi chí đuổi giặc Minh “làm tròn chữ Đại Hiếu”.

Khi về ngang qua cửa Bạch Đằng, Nguyễn Trãi cảm thán viết bài thơ Quan Hải nổi tiếng, ngậm ngùi suy ngẫm về vận nước, về mối hận nghìn năm của Hồ Quý Ly và đặc biệt, về sức mạnh của lòng dân. Trong bài thơ có những tư tưởng đã trở thành lời cảnh báo máu xương đối với tất cả các triều đại về sau: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” - tạm dịch là “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”.

Nói về Hồ Quý Ly, trước và sau khi lên ngôi năm 1400, Hồ Quý Ly đã tiến hành những cải cách hành chính, kinh tế, quân sự vào loại mạnh bạo và triệt để nhất trong lịch sử Phong kiến Việt Nam.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1405, sau khi Hồ Hán Thương cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Hạc để ngăn giặc từ Tuyên Quang tràn xuống, Hồ Quý Ly đã phải triệu quan lại các sứ lộ về triều họp với các quan ở kinh nên đánh hay nên hòa.

“Có người khuyên nên đánh, chớ để làm mối lo ngày sau. Trấn thủ Bắc Giang Nguyễn Quân cho là nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng (Giặc Minh) muốn để hoãn binh thì hơn. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”.

Các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Ly sau này đều bị phê phán nặng nề trong các bộ chính sử. Ông bị quy tội nặng nề ở thái độ đối với dân: Sẵn sàng xuống tay khi dân, binh sĩ, quan lại không thần phục.

Sau này, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã đúc rút bằng hai câu: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận” để nói về chính sách nhà Hồ không được lòng dân.

Trước Nguyễn Trãi, câu chuyện về “sức dân” đã trở thành tư tưởng và nền tảng cho sự thịnh vượng nhà Trần. Trước khi mất (1300), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khuyên vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Khoan thư sức dân ở đây chính là đòi hỏi nhà cầm quyền phải bồi dưỡng sức dân, phải quan tâm, chăm lo đời sống của dân. Bài học không những có giá trị trong lịch sử mà đến nay vẫn còn tỏa sáng.

Tư tưởng về sức mạnh nhân dân, lấy dân làm gốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo và có khoa học.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi theo dõi hoạt động của các Ủy ban nhân dân xuất hiện tình trạng bị “dân phàn nàn, oán thán nhiều hơn lời khen”, trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy”.

Theo các nhà nghiên cứu, quan niệm “dân yêu - yêu dân” không phải chỉ là một giải pháp chính trị, mà là tư tưởng sâu sắc thường trực trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh. Bản chất vấn đề vẫn là ở chỗ thái độ đối với dân - yêu dân, mưu cầu quyền lợi cho dân - dân không đơn thuần là đối tượng thụ động của hoạt động chính trị.

Cũng thời kỳ này, trên báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17.10.1945, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu nhà nước, đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của một số cán bộ chính phủ mới. Người viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

An dân thời COVID-19

Những quan điểm về “hạnh phúc của nhân dân”, “dân thụ hưởng” tiếp tục được đề cập và đi sâu tại các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Hạnh phúc là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII, tính con người, tính nhân văn đậm hơn.

Giáo sư, tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá việc đề cao “hạnh phúc của nhân dân” là “nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta. Qua quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19 chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc”.

Làm sao để “an dân”? làm sao để người dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chống dịch? Đó là những câu hỏi lớn.

Nỗ lực của Đảng, Chính phủ đã và đang tạo niềm tin cho người dân bằng những chính sách lớn và cả những sự quan tâm nhỏ.

Đó là những gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng đến với những gia đình khó khăn. Đó là chính sách tiêm vaccine miễn phí. Đó là hàng loạt chính sách miễn, giảm tiền điện, nước, viễn thông. Đó là những chỉ đạo kịp thời. Sức khoẻ và tính mạng người dân phải được đặt lên trên hết.

“Không để bất kỳ gia đình nào đứt bữa”, “Người dân phải được tiếp cận vaccine và y tế”. Đây là những thông điệp rất cụ thể.

Điển hình là hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống với dân, kiểm tra cụ thể, chi tiết xem lãnh đạo địa phương phục vụ dân ra sao khi đang thực hiện giãn cách; những hành động của Thủ tướng để kiểm tra sự sẵn sàng của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc phục vụ nhân dân đã lan tỏa ra nhiều nơi và đem lại những tín hiệu tích cực khi người dân đang vất vả chống dịch. Thủ tướng phê bình đường dây nóng chậm chạp, phê bình cấp xã phường ở “vùng đỏ” không có cán bộ. Việc lắp đặt hệ thống trực tuyến với toàn bộ 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ngay tại phòng làm việc của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là để người dân yên tâm hơn.

Dân ở đây không còn được hiểu là một cá nhân, một nhóm người mà còn là các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu tác động lớn bởi dịch COVID-19. Chính sách miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng… được coi là động thái “khoan thư sức dân trong bối cảnh này”.

Hay trong lĩnh vực giáo dục, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 vừa mới ban hành là hướng đến một năm học mới an toàn và chất lượng.

Vẫn còn đâu đó những người chưa nhận được hỗ trợ, vẫn còn đâu đó các địa phương chậm triển khai những chính sách lo cho dân, vẫn còn đâu đó để người dân cô đơn tự xoay xở chống dịch, vẫn còn đâu đó người dân chưa được tiếp cận nhanh với hoạt động y tế. Nhưng đó chỉ là những cá biệt, không điển hình ở những nơi cán bộ còn chưa sát dân.

Trong cuộc chiến chống COVID-19 này, thành bại là do dân. Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy”.

An dân chính là chìa khóa vàng để mở cánh cửa chiến thắng đại dịch.

 

https://laodong.vn/thoi-su/bai-hoc-an-dan-thoi-covid-19-950086.ldo

Theo MINH BẰNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm