Thời sự - Bình luận

Bài học lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay 14-7, Thành ủy TPHCM tổ chức tổng kết 20 năm hiến đất mở đường, mở hẻm tại TPHCM với kết quả đầy ấn tượng, cùng những điển hình có sức thuyết phục và nhiều bài học sâu sắc.

 

Những con hẻm được mở rộng thênh thang nhờ dân hiến đất
Những con hẻm được mở rộng thênh thang nhờ dân hiến đất.


Có lẽ bài học sâu sắc nhất là bài học về lòng dân. Đó là chủ trương đúng đắn, cùng cách làm hợp lòng dân và mang lại lợi ích hài hòa. Một khi có sự đồng thuận của dân thì việc khó mấy cũng làm được.
Hơn 20 năm trước, người dân huyện Củ Chi đã hiến đất mở đường.

Công trình xã hội hóa ấy đã làm cho tất cả các tuyến đường của huyện trở nên thông suốt với hàng trăm km đường khang trang và “bộ mặt” huyện Củ Chi nhiều thay đổi từ sau ngày giải phóng. Đó là công trình đầy tự hào của quê hương Địa đạo anh hùng, Đất thép thành đồng.

Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ VII, thành phố đã có nghị quyết tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa về xây dựng giao thông, mở đường, mở hẻm. Giờ đây, trong báo cáo tổng kết cho thấy, 20 năm qua toàn thành phố đã thực hiện được 5.230 công trình, trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm. Gần 168.140 hộ dân đã hiến 5,4 triệu m2 đất, tương đương với 10.050 tỷ đồng và còn đóng góp thêm 458 tỷ đồng để xây dựng các công trình.

Nhiều quận có sự tập trung và triển khai khá tốt như quận Phú Nhuận, quận 3, quận 7 hay TP Thủ Đức… Ở Phú Nhuận, người dân hiến 20.000m2 đất, trị giá trên 1.200 tỷ đồng, góp phần hoàn thành 102 công trình mở hẻm, có hộ hiến 40 - 50m2 đất. Từ năm 2004, 3.713 hộ dân ở quận 3 đã hiến 18.000m2 đất để mở rộng 95 tuyến hẻm. Còn ở TP Thủ Đức, có 13.683 hộ dân hiến 410.000m2 đất làm 900 dự án mở đường, mở hẻm. Ngay trong đại dịch Covid-19, người dân quận 7 vẫn thực hiện mở rộng 11 tuyến hẻm.

Chúng ta đều biết lợi ích việc phát huy nguồn lực của dân, riêng đối với các dự án mở đường, mở hẻm, người dân hiến đất sẽ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ công trình. Đối với người dân, nhà đất là khối tài sản lớn, là tất cả sự chắt chiu, dành dụm để có được. Nhưng nếu có chủ trương đúng, cách thức tiến hành hiệu quả người dân thấy hài hòa lợi ích thì tham gia thực hiện rất tích cực.

Trong thực tế, việc làm này nhiều nơi đã có sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của mặt trận và các ban ngành, đoàn thể. Quy chế dân chủ được thể hiện từ việc công khai chủ trương, dự án, chính sách hỗ trợ… để người dân bàn các giải pháp phù hợp. Mức đóng góp của người dân tùy theo điều kiện, hoàn cảnh. Có trường hợp góp 20%, 40%, có trường hợp người góp nhiều để phía nhà đối diện không cần hiến đất vì có diện tích quá nhỏ, có trường hợp hiến đất hai lần, có trường hợp được đề nghị hỗ trợ thêm để có nơi ở mới, rất nhân văn.

Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phải được triển khai, thực hiện một cách nhuần nhuyễn mới mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin nơi người dân. Nhiều nơi làm tốt đã cho thấy các bước được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao trước dân của hệ thống chính trị, nhất là của cấp ủy, chính quyền. Công tác dân vận của Đảng, của chính quyền, của mặt trận, đoàn thể được triển khai theo tinh thần “dân vận khéo”. Các đảng viên trong khu phố gương mẫu thực hiện, nhiều trường hợp lúc đầu đã chấp nhận chưa có hỗ trợ gì.

Sự thuyết phục trong công tác tuyên truyền, vận động là thực tiễn. Những tuyến hẻm làm điểm được mở khang trang mang lại nhiều tiện ích có sức thuyết phục cao. Nơi nào mở đường, mở hẻm, nơi đó đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Những con hẻm trước đây chỉ rộng 2m, 2,5m, giờ đây đã trở thành con đường 6m, 8m. Giá trị nhà đất của khu vực được tăng lên, xe taxi, phòng cháy chữa cháy vào được, việc đi lại thuận lợi… Cùng với việc mở hẻm, nhiều nơi đặt ống thoát nước, xử lý được tình trạng ngập úng.

Vận động người dân hiến đất mở đường, mở hẻm không phải là công việc dễ dàng, mà phải làm công phu đến từng hộ, từng thành viên trong gia đình, đặc biệt phải phát huy vai trò tự quản của người dân. Cơ quan quản lý nhà nước phải tận tình giúp dân về các thủ tục sửa chữa nhà, cấp giấy phép, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở… một cách nhanh chóng. Chủ quan, đại khái, không sâu sát, áp đặt… sẽ không lường hết những vấn đề phát sinh, có thể xảy ra những mâu thuẫn, khiếu nại.

Trên tất cả là phải phát huy nguồn lực, ý chí, nguyện vọng của người dân, là kết tinh những tấm lòng cao quý vì lợi ích của người dân, của cộng đồng!

Từ kết quả của 20 năm trong việc vận động người dân hiến đất mở đường, mở hẻm với những bài học từ thực tiễn sinh động, chúng ta có quyền kỳ vọng những công trình có ích cho dân sẽ được nhân lên, công cuộc chỉnh trang đô thị sẽ có bước tiến mới, góp phần làm cho diện mạo thành phố ngày càng đẹp hơn, xanh hơn, văn minh, hiện đại hơn.

Theo PHẠM PHƯƠNG THẢO (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm