Thời sự - Bình luận

Bản đồ phi pháp: Xin lỗi rồi thôi?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không phải một lần, mà đã rất nhiều lần, trên các ứng dụng, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, hàng hóa... xuất hiện hình ảnh bản đồ Việt Nam bị lỗi, không toàn vẹn, thậm chí có "đường lưỡi bò" phi pháp.

Mới đây nhất, cuối tháng 8-2024, hãng xe MG đăng tải video giới thiệu một mẫu xe kèm bản đồ Việt Nam... song bị thiếu tỉnh Hà Giang. Hãng xe khác, Volkswagen, vào năm 2019 đã trưng bày tại triển lãm ô tô lớn nhất Việt Nam - Vietnam Motor Show - mẫu xe Touareg có bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp. "Đường lưỡi bò" phi pháp cũng vừa bị phát hiện ở một tựa game trên kho ứng dụng Google Play vào đầu tháng 8 vừa qua. Chưa hết, bằng cách nào đó - không rõ vô tình hay cố ý, bản đồ có "đường lưỡi bò" từng xuất hiện trên một số hạ tầng chiếu phim hay ở một số website của đơn vị tổ chức sô diễn ca nhạc.

Dư luận phẫn nộ; nhà sản xuất, nhà phát triển ứng dụng hay các đơn vị liên quan lên tiếng xin lỗi... rồi vụ việc "chìm xuồng", đâu lại vào đó. Bản đồ phi pháp vẫn thỉnh thoảng tái xuất ở một vài hàng hóa, sản phẩm từ lĩnh vực tiêu dùng đến văn hóa, nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra là dường như động thái xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đủ sức răn đe? Các cơ quan kiểm duyệt sản phẩm văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm nội dung được phát sóng hoặc trình chiếu phù hợp quy định. Về phía quản lý hàng hóa tiêu dùng, ngành công thương và hải quan có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm.

Cũng cần hiểu và thông cảm với các cơ quan chức năng bởi trong bối cảnh công nghệ và internet phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc kiểm soát, kiểm duyệt hàng hóa, thông tin... trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có rất nhiều nguồn cung cấp nội dung từ nước ngoài có thể đưa vào thị trường Việt Nam và không phải tất cả đều được kiểm duyệt trước khi được phát hành. Tương tự với các loại hàng hóa, sản phẩm khác, có những tình huống bản đồ phi pháp "ẩn mình", không dễ phát hiện.

Chưa kể, không ít nền tảng, ứng dụng không có người đại diện hay đầu mối tại Việt Nam, khiến việc liên hệ để xử lý không hề dễ dàng, đơn cử vụ việc xuất hiện bản đồ phi pháp trên nền tảng nhắn tin Snapchat vào cuối năm 2023. Biện pháp kỹ thuật sẽ được cơ quan quản lý sử dụng để gỡ bỏ những hình ảnh trái phép trong trường hợp không liên hệ được với nền tảng hoặc nền tảng không tự nguyện gỡ bỏ.

Nhưng chẳng lẽ cứ mãi "mất bò mới lo làm chuồng", thay vì chủ động tìm giải pháp ngăn chặn, kiểm soát từ sớm?

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời điểm này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các cơ quan quản lý tận dụng phục vụ kiểm soát, kiểm duyệt các nội dung, hàng hóa, ứng dụng... lưu hành trong nước. Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng tỏ ra thông minh hơn, có thể là công cụ hữu hiệu để kiểm duyệt, đối chiếu bản đồ được sử dụng trên các sản phẩm và đưa ra cảnh báo sớm.

Quan trọng hơn cả là ý thức của những người kinh doanh, những nhà phát triển nội dung: Không đặt lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế lên trên chủ quyền quốc gia!

Theo Thùy Dương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm