Nhưng gần như ngày nào lướt mạng xã hội, tôi cũng bắt gặp những clip thanh, thiếu niên chơi ngông, bốc đồng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Hết biểu diễn "quái xế" độ chế đến kéo nhau đi hỗn chiến bằng dao phóng lợn, hung khí nguy hiểm, có độ sát thương cao…
Nhưng tiếp xúc với những thanh thiếu niên bị bắt do gây rối, tôi mới hiểu không phải em nào cũng "máu lạnh", côn đồ. Thậm chí, khi được hỏi nguyên nhân tham gia vào các cuộc hỗn chiến, đa phần đều cho biết "không rõ nguyên nhân hỗn chiến", "không quen biết đối thủ", chỉ nghe theo lời kích động trong group (nhóm) trên mạng xã hội.
Mới thấy, sự xúi giục, kích động trong các hội, nhóm kín trên mạng xã hội có tác động tiêu cực rất nặng nề. Có em thú thật, ban đầu không muốn tham gia nhưng khi bị "tag" (gắn thẻ một tài khoản nào đó), bị khích bác thì "bệnh sĩ" nổi lên, từ đó lao theo đoàn quái xế hoặc cầm hung khí đi chém người cho "bằng bạn, bằng bè".
Tâm lý không muốn bị bạn bè xem thường hay chê bai sự yếu đuối chính là một trong các nguyên nhân của những màn đánh hội đồng dã man người không thù, không oán. Các em chưa hiểu, từ chối trước những điều sai trái mới là bản lĩnh, chứ không phải cầm đao kiếm hoặc rú ga mới là "anh hùng". Hậu quả của sự nông nổi phải trả là cái giá đắt gấp nhiều lần.
Nhưng một số ý kiến cũng bày tỏ sự thấu cảm cho con trẻ bởi các em đang ở lứa tuổi ham chơi, muốn thể hiện bản thân... Do đó, khoan vội trách các em mà cần trang bị một hành trang, bản lĩnh trước mạng xã hội. Điều này không chỉ gia đình mà nhà trường, hội, đoàn thể cũng phải có biện pháp định hướng cho giới trẻ những giá trị của chân - thiện - mỹ. Nếu như chân giá trị không phải là tài năng, kỹ năng, thành tích học tập, làm việc hay đơn giản là giúp người, mà cứ chú mục vào những lượt like, share, câu view tầm thường, thì những lệch lạc về nhận thức trong giới trẻ chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.