Kinh tế

Ban Quản lý Rừng phòng hộ xã Nam: Chủ động phòng chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác phòng-chống cháy rừng (PCCR) mùa khô năm nay đang được các địa phương, chủ rừng và ngành chức năng triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất không để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) xã Nam (huyện Kbang) đã xác định được 2 vùng trọng điểm cháy để triển khai các biện pháp PCCR trong mùa khô năm nay.

Diễn tập phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Là một trong những chủ rừng đứng chân trên địa bàn huyện Kbang, BQLRPH xã Nam hiện đang quản lý 6.619,5 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 6.218,8 ha, rừng trồng tập trung 400,7 ha. Diện tích rừng tập trung nhiều nhất tại các xã: Tơ Tung, Kông Pla, Lơ Ku và Kông Lơng Khơng. Đặc biệt, khoảng 1.254,3 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao vào mùa khô. Phần lớn diện tích rừng nằm gần các làng đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống, sản xuất gắn liền với rừng từ bao đời nay.

Những năm trước, hầu hết diện tích rừng được đơn vị giao khoán và quản lý khá chặt chẽ, không để xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, đầu năm 2014 đã xảy ra 2 điểm cháy nhỏ do người dân đốt rẫy sơ ý để lửa cháy lan vào rừng. Lực lượng của BQLRPH và người dân cùng tham gia dập tắt đám cháy kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Mùa khô năm nay được dự báo sẽ khốc liệt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, BQLRPH xã Nam đã xác định được 2 vùng trọng điểm rất dễ xảy ra cháy rừng là các khoảnh 3, 5, 6 và 8 thuộc tiểu khu 160 và khoảnh 5, 6 tiểu khu 162 thuộc địa bàn xã Tơ Tung. Đây là 2 tiểu khu có địa hình đồi núi cao, chia cắt vì vậy khi xảy ra cháy rừng cũng chỉ áp dụng các biện pháp chữa cháy thủ công và các vật dụng thô sơ. Không những vậy, nguồn nước phục vụ yêu cầu chữa cháy rừng nằm cách xa trọng điểm cháy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy nếu có tình huống xảy ra.

Từ đầu mùa khô năm nay, BQLRPH xã Nam đã chủ động triển khai lực lượng cùng các hộ nhận khoán tập trung phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa. Vì theo tập quán sản xuất, thời gian này đang là mùa phát nương làm rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị vụ sản xuất mới nếu sơ ý rất dễ phát sinh ngọn lửa cháy lan vào rừng. Đặc biệt tại 2 vùng trọng điểm cháy chủ yếu là rừng thông 3 lá được trồng từ những năm 1999-2001, đến nay đã hết thời gian chăm sóc, nguồn vật liệu gây cháy nhiều và rừng trồng còn bao bọc bởi lau lách, lại giáp ranh với lâm phần của BQLRPH Bắc An Khê cũng là vùng có nguy cơ rất dễ xảy ra cháy.

Ông Cao Văn Tư-Trưởng ban QLRPH xã Nam cho biết: Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm nay, từ đầu mùa khô đơn vị cử cán bộ túc trực PCCCR 24/24 giờ tại các làng gần vùng trọng điểm cháy để phát hiện và kịp thời huy động các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Thành lập và củng cố lại các tổ, đội trực tiếp chữa cháy rừng khi có tình huống xảy ra, kiện toàn lại các hộ nhận khoán rừng, hạn chế không để xảy ra cháy rừng làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, hàng năm đơn vị phối hợp với chính quyền xã Tơ Tung xây dựng kế hoạch PCCCR và phương án chữa cháy. Thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ huy PCCCR của 4 xã để tuyên truyền, vận động PCCCR trong nhân dân.  

Trước những dự lường về sự phức tạp của thời tiết rất dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay, việc chủ động xây dựng các phương án chữa cháy rừng tại 2 tiểu khu 160 và 162 của BQLRPH xã Nam là việc làm cấp thiết. Đây là biện pháp quan trọng để bảo vệ tài nguyên rừng trước nguy cơ bị lửa xâm hại.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm