Như: Bộ Luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Báo chí 2016, Nghị định 131/2013/NĐ-CP, Nghị định 22/2018/NĐ-CP…
Chỉ cần thực hiện thật nghiêm những quy định đó thì chuyện xâm phạm bản quyền báo chí không xảy ra, hoặc diễn ra rất ít. Thế nhưng, diễn biến trên thực tế những năm qua và hiện nay cho thấy điều ngược lại. Không chỉ những cá nhân, hội nhóm, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông mà còn có hiện tượng một số báo, đài cũng sử dụng tin, bài của đồng nghiệp khi chưa được cho phép. Qua đó chứng tỏ luật về bản quyền thì đã có nhiều song không được chấp hành, không được thực thi nghiêm minh.
Các cơ quan báo chí là nạn nhân thường xuyên của tình trạng ăn cắp bản quyền, thay vì chỉ biết than thở hoặc thụ động ứng phó như trước, vài năm gần đây đã tiến hành một số giải pháp chủ động hơn, trong đó thành lập Tổ Bản quyền, Tổ Pháp lý là một cách "đón đầu". Riêng tại Báo Người Lao Động, chúng tôi còn dựng tường phí. Cụ thể, đối với những tác phẩm báo chí chất lượng cao, độc quyền, chúng tôi đưa vào chuyên mục thu phí đọc báo "Dành cho bạn đọc VIP" (ra mắt cuối tháng 7-2022). Nhờ đó, chúng tôi thu được tiền để bù đắp một phần chi phí sản xuất, tối ưu hóa tác phẩm, hạn chế được tình trạng sử dụng lại bài hay của chúng tôi mà không xin phép, không trả bất kỳ đồng xu cắt bạc nào.
Dù đã giăng "ăng-ten" khắp nơi song khó có thể nắm bắt được tất cả mọi trường hợp tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép. Do vậy, có những vụ chúng tôi phát hiện qua "tai mắt quần chúng", hoặc tình cờ biết được vì tác phẩm đó viral rất rộng (nhờ một số thủ thuật của bên vi phạm). Ví dụ như trường hợp phóng viên Báo Người Lao Động giữa năm 2023 phát hiện bức ảnh của mình có mặt trong TVC quảng cáo của một tập đoàn nước ngoài; sau vài tháng kiên trì đòi quyền lợi, đã được trả tiền tác quyền ảnh theo thỏa thuận. Hay vụ đầu năm 2024, phóng sự ảnh lễ hội của Báo Người Lao Động bị một nhà đài "khai thác lại", đăng YouTube, có doanh thu. Kênh này gần 2,3 triệu sub, rõ ràng là "tạo nguồn thu từ công sức lao động của người khác".
Vài ví dụ đơn lẻ cũng đủ thấy tình trạng rất nhức nhối về bản quyền báo chí hiện nay. Theo chúng tôi, phải thường xuyên dùng đến pháp lý để bảo vệ bản quyền thì mới hiệu quả; mạnh hơn, hãy đưa nhau ra tòa.
Pháp lý còn là "vũ khí" khiến những bên cần thông tin, tác phẩm báo chí chất lượng (cho mục đích thương mại) phải chia sẻ lợi ích với nguồn nguyên phát. Thực tế hiện nay, nhiều trang tin tổng hợp, một số nền tảng tin tức đã ký hợp đồng khai thác tin tức với các báo, đài giàu tiềm lực sau khi bị "làm căng" về pháp lý bản quyền.
Tham chiếu rộng hơn là vụ báo Mỹ The New York Times (NYT) đang kiện OpenAI (sở hữu Chat GPT) và Microsoft (sở hữu Bing AI) vì đã sử dụng hàng triệu bài báo có bản quyền của NYT huấn luyện các chatbot, bán tài khoản ChatGPT cho người dùng, bán quảng cáo…, thu về hàng tỉ đô-la, gây thiệt hại lớn cho tờ báo danh tiếng này.
Hiện chưa có phán quyết của tòa. Có thể kết cục sẽ là một phán quyết bên ngoài tòa án: OpenAI phải ký thỏa thuận chia sẻ lợi ích với NYT, như họ đã ký với Axel Springer (Đức) và AP (Mỹ). Được như vậy, NYT đạt 2 mục đích: vừa minh bạch về bản quyền vừa có được nguồn lợi, thay vì mất trắng; trong khi OpenAI không thể không cần đến nguồn tin tức uy tín, độc quyền như NYT (và nhiều tờ báo tương tự).
Sử dụng công cụ pháp lý là giải pháp hiệu quả và văn minh nhất trong trường hợp này.
(Tóm lược từ tham luận của tác giả tại phiên 10, Diễn đàn Báo chí toàn quốc, chiều 16-3)
(Dẫn nguồn NLĐO)