Thời sự - Bình luận

Bán thuốc qua mạng: Nhiều hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới, trong đó có đề cập việc kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Ảnh: Báo SGGPO

Ảnh: Báo SGGPO

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới, trong đó có đề cập việc kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Dù vậy, trong bối cảnh công tác chuẩn bị chưa đầy đủ để áp dụng phân phối dược phẩm trên kênh thương mại điện tử, điều này có thể gây tác động tiêu cực, nhiều hệ lụy đối với an toàn y tế và sức khỏe cộng đồng.

Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, ngay cả đối với những loại thuốc không kê đơn… Nếu bệnh nhân lạm dụng hoặc sử dụng quá liều có thể gây hậu quả khó lường. Theo thống kê của các quốc gia đang phát triển, 75%-80% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả - đây là vấn đề đau đầu nhất của các cơ quan quản lý dược, vì xử lý thuốc giả ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn gấp nhiều lần.

Việc Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Luật Dược sửa đổi bổ sung liên quan đến việc bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử mà không nghiên cứu đầy đủ một hệ thống pháp lý chằng chịt từ Luật thương mại, Luật Dân sự, Luật giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật viễn thông, Luật Hình sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp… thì cần phải xem xét lại tính khả thi!

Theo pháp luật hiện hành, các cơ sở kinh doanh dược phẩm phải có địa điểm kinh doanh cố định, có kho bảo quản thuốc theo đúng điều kiện quy định và khi được cấp phép đều có người phụ trách chuyên môn tại từng địa điểm. Cùng với đó, trong hơn 2 thập niên qua, cơ quan quản lý dược đã từng bước xây dựng quy trình kín trong quản lý chất lượng thuốc toàn diện, thông qua áp dụng nguyên tắc và tiêu chuẩn trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc (GPs) với các tiêu chuẩn như: thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phòng kiểm nghiệm (GLP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) và thực hành tốt quản lý nhà thuốc (GPP).

Trong đó, khâu mắt xích quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn cho người bệnh là GPP, với đầy đủ cơ chế quản lý về điều kiện của cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc, điều kiện về bảo quản thuốc, tiêu chuẩn của người bán thuốc, quy định về hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hợp lý…

Những nỗ lực và thành quả này sẽ có nguy cơ phá sản khi áp dụng cơ chế thương mại điện tử và hệ lụy là những thiệt thòi, nguy hiểm cho người bệnh. Hơn nữa, trong bối cảnh nhận thức, kiến thức của người dân về dược phẩm còn chưa đầy đủ và nền pháp lý về quản lý dược chưa được củng cố thì cho phép áp dụng thương mại điện tử rất dễ gây nên tình trạng mất kiểm soát trong cộng đồng, dẫn tới tình trạng mất an ninh về lĩnh vực dược phẩm.

Từ những phân tích ở trên, thấy rằng không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục hàng hóa có thể phân phối qua cơ chế thương mại điện tử. Đối với thuốc không kê đơn, có thể xem xét áp dụng nhưng các quy định về quản lý phải chặt chẽ và phải được luật hóa. Chúng ta không cấm bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử nhưng việc áp dụng cơ chế này phải được cân nhắc ở giai đoạn nền pháp lý đã được hoàn thiện một cách chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn.

Có thể bạn quan tâm