Bánh bông lan trong Tết xưa của người dân An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một buổi sáng đầu tháng Chạp, khi đưa một số đồ dùng sinh hoạt được cất trong tủ ra cọ rửa sạch sẽ để sử dụng cho những ngày Tết sắp đến, bà Đỗ Thị Nga (phường Tây Sơn) bỗng ngậm ngùi khi bắt gặp lại chiếc khuôn nướng bánh bông lan đã bị bỏ quên hơn 25 năm nay. Nó gợi nhớ trong bà ký ức về những ngày quây quần bên gia đình làm bánh bông lan để chưng lên bàn thờ hoặc đãi khách trong các ngày lễ, Tết. “Trước đây, mỗi lần nhà có giỗ, chạp hoặc lễ, Tết là tôi và mọi người trong gia đình thức trắng đêm để nướng bánh bông lan. Người đánh trứng, người trộn bột, người đỏ than, người nướng bánh. Cứ mẻ bánh này chín lại tiếp tục nướng mẻ khác cho đến tận 2-3 giờ sáng. Dù mệt nhưng đó là thời điểm cả nhà được đoàn tụ với nhau nên rất ấm áp”-bà Nga chia sẻ.
 

 Bánh bông lan ngày nay được bày bán nhiều nơi trên thị trường dẫn đến “nghề” làm bánh bán ngày Tết đến nay không còn nữa. Ảnh: H.T
Bánh bông lan ngày nay được bày bán nhiều nơi trên thị trường dẫn đến “nghề” làm bánh bán ngày Tết đến nay không còn nữa. Ảnh: H.T

Theo bà Nga, không chỉ riêng gia đình bà, ngày ấy, ở thị xã An Khê, hầu như nhà nào cũng nướng món bánh này mỗi khi nhà có giỗ, chạp, cưới, hỏi hoặc Tết. Đặc biệt, trước Tết khoảng 1 tháng, các nhà đều đã rục rịch đỏ than nướng bánh, rồi để dành chưng lên bàn thờ gia tiên. Vì vậy, chỉ cần bước ra khỏi nhà đã nghe phảng phất mùi thơm của các nguyên liệu làm bánh gồm mì, trứng và đường. “Hồi đó, nướng bánh bông lan ít tốn kém mà nguyên liệu có sẵn nên rất phù hợp với nhà nghèo. Chỉ cần một chiếc khuôn nhôm, một lò than và 1 cây đánh trứng và nguyên liệu gồm nửa ký đường, 700 gam bột mì và 1 kg trứng đã làm được một hộp bánh to, đủ để chưng bàn thờ trong 3 ngày Tết. Nhà nào có điều kiện thì nướng nhiều hơn để đãi khách hoặc làm quà cho người thân”-bà Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, để bánh được nướng thơm ngon mà chắc, trước khi nướng, trứng phải được đánh kỹ với đường cho thành kem để tránh bị tanh, sau đó trộn với bột. Khi nướng, than bếp phải thật đượm để bánh nở phồng to và thơm. Với kinh nghiệm trên, cứ hộ này truyền cho hộ kia mà khắp các thôn, xóm của thị xã, hầu như nhà nào cũng biết nướng món bánh thơm, ngon này. Không chỉ nướng để sử dụng, nhiều gia đình còn nướng để bán. Từ chợ lớn đến các chợ nhỏ, hình ảnh những gánh bánh bông lan nóng hổi, thơm lừng được bày bán khắp nơi. Trên các ngả đường của thị xã, tiếng rao “Ai mua bánh bông lan không” cũng bắt đầu xuất hiện và tạo nên nét đặc trưng riêng của phố thị ngày ấy.

Tuy vậy, chính sự xuất hiện ngày càng nhiều của bánh bông lan trên thị trường mà không khí chộn rộn làm bánh bông lan ngày Tết dần dần biến mất. Bởi theo lý giải của người dân nơi đây, làm bánh bông lan mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, từ khi bánh được bày bán phổ biến, thay vì lụi cụi nướng bánh, nhiều hộ mua bánh được làm sẵn về dùng. Mặt khác, với sự xuất hiện của nhiều loại bánh khác trên thị trường cũng khiến cho bánh bông lan trở nên mờ nhạt trong ngày Tết. Đến nay, bánh bông lan không mấy khi được sử dụng cho ngày Tết nữa. “Nghĩ đến điều này, người dân chúng tôi cứ có cảm giác mất đi điều gì đó ý nghĩa lắm. Nhưng dù cuộc sống có đủ đầy, mâm cỗ trong 3 ngày Tết có sung túc hơn thì với người dân An Khê vẫn khó để quên món bánh bông lan ngày Tết của một thời nghèo khó này”-bà Nga ngậm ngùi.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm