(GLO)- “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”-câu đối xưa đã thấm vào tâm hồn biết bao thế hệ người Việt. Và bánh chưng là một phần không thể thiếu của ngày Tết.
Dễ dàng nhận thấy, nhu cầu đặt bánh chưng gói sẵn của người dân Gia Lai không rầm rộ như các tỉnh, thành khác, bởi người dân lao động ở đây vẫn thích được tự tay gói bánh và coi đó là một nét văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết. Bà Hoàng Thị Cương (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Nhà tôi đông con, Tết là dịp để cả gia đình sum vầy nên gia đình luôn duy trì việc gói bánh chưng. Mặc dù phần chuẩn bị khá vất vả, phải chuẩn bị tầm 15 kg gạo, đậu thì vẫn đãi tay nhưng các con các cháu về mỗi người xúm vào giúp một tay nên không khí rất vui vẻ, đầm ấm”. Lý do tự gói bánh của chị Lê Thị Chân (19 Nguyễn An Ninh, TP. Pleiku) thì có hơi khác. Chị chia sẻ: “Các con còn nhỏ, mua thì sợ không đảm bảo an toàn thực phẩm, vậy nên đã 2 năm nay nhà mình và 4 nhà hàng xóm nữa rủ nhau gói bánh chung. Mỗi nhà chỉ cần 2-3 cặp để chưng bàn thờ nên công việc khá gọn nhẹ. Đây còn là dịp để hàng xóm giao lưu, gắn kết với nhau”.
Ảnh minh họa. |
Mặc dù vậy, thị trường gói bánh chưng, bánh tét Gia Lai vẫn nở rộ vào dịp Tết, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của những gia đình trẻ, ít người và giới công chức văn phòng. Lý giải cho điều này, chị Lê Thị Trang (14/4 Mạc Đĩnh Chi, TP. Pleiku) cho rằng: “Hầu hết các gia đình công chức trẻ có thời gian nghỉ Tết muộn, đến lúc đó thì chỉ kịp dọn dẹp và mua sắm những thứ có sẵn từ dưa kiệu, bánh chưng đến giò chả. Chứ thật ra, bày ra vừa tốn kém, vừa mệt mà các con ăn cũng chẳng bao nhiêu”. Chính vì thế, cũng như nhiều gia đình công chức khác, chị Trang đã lên mạng tìm các địa chỉ gói bánh chưng uy tín, chất lượng để đặt cho nhanh gọn.
Chị Phạm Thị Ngọc (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai)-một trong những đầu mối cung cấp bánh chưng, bánh tét bỏ sỉ-tâm sự: “Nhà mình nhận đặt gói bánh khoảng 3 năm trở lại đây. Nhu cầu ngày thường thì hơi ít nên nhà mình chỉ gói lai rai, chủ yếu gói nhiều vào mùng 1 Âm lịch và ngày Rằm vì nhiều người đặt bánh chay để cúng. Còn trong dịp Tết, nhà mình gói tầm 200-300 bánh/ngày, bỏ sỉ cho các đầu mối ở Gia Lai và TP. Đà Nẵng. Số lượng bánh nhiều nên mình phải thuê thêm 3 nhân công làm cùng”. Chị Nguyễn Thị Tú (26 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) là một khách hàng quen thuộc ở đây cho biết: “Mình mua bánh của chị Ngọc là do người quen giới thiệu. Mình xuống tận nơi để xem cách chế biến thì thấy rất sạch sẽ, bánh ngon, chất lượng nên yên tâm mua bánh ở đây và còn giới thiệu thêm cho bạn bè”. Với chị Hà Thị Cẩm Nhung (thôn Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông), việc chị nhận gói bánh đầu tiên là do nhu cầu của bạn bè, đồng nghiệp, sau mọi người thấy ngon và tiện nên tiếp tục giới thiệu nhiều người cùng đặt. Lợi thế của chị Nhung là nhà có đông cháu nhỏ, các cháu cũng rất thích việc gói bánh. Mỗi mùa Tết, chị thường nhận gói khoảng 50-100 bánh/ngày. “Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống cho trẻ, giúp trẻ thêm hiểu và yêu hương vị Tết quê hương”-chị Nhung nói.
Tết đang về. Những chộn rộn mua sắm đã bắt đầu. Những người nhận gói bánh chưng, bánh tét cũng rộn ràng với những đơn hàng đầu tiên cho bữa cỗ tất niên; nhiều gia đình đang chuẩn bị quây quần nấu bánh. Dường như đối với mỗi người, việc có cặp bánh để chưng Tết không chỉ là nhu cầu bắt buộc mà còn là một thói quen, một nỗi nhớ hình thành từ trong sâu thẳm tâm hồn Việt, để những ký ức về Tết vẫn mãi tiếp nối và đậm sâu trong trái tim của mỗi người.
KIM SƠN