Bánh Trung thu handmade ở Gia Lai khó tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, thị trường bánh Trung thu ở Gia Lai khởi động khá sớm. Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ thuận lợi với các nhãn hàng đã có thương hiệu như: Kinh Đô, Như Lan, Bibica… còn bánh handmade của các cơ sở nhỏ lẻ lại gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Ông Trần Văn Sơn-Chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Đức Thành (4/30/2 Tuệ Tĩnh, TP. Pleiku) cho biết: Cơ sở của ông sản xuất bánh Trung thu đã khá lâu và được nhiều khách hàng biết đến. Mùa Trung thu này, cơ sở sản xuất 4 loại bánh, giá từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng/cái. So với những năm trước, sản lượng bánh giảm khoảng 20%. “Cơ sở hiện sản xuất cầm chừng vì tình hình tiêu thụ không khả quan. Mặc dù chất lượng bánh cơ sở làm ra có thành phần, trọng lượng tương đương, giá rẻ hơn phân nửa nhưng xét về thương hiệu thì không so được với các nhãn hàng lớn. Đặc biệt, khách hàng thường chọn mua những nhãn hàng bánh có thương hiệu để biếu tặng”-ông Sơn cho hay.

Cơ sở bánh Trung thu Đức Thành (số 4/30/2 Tuệ Tĩnh, TP. Pleiku) chấp hành tốt quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện


Tương tự, ông Ngô Thái Vũ-Chủ cơ sở bánh Trung thu Tân Phát (số 48B Trần Nhật Duật, TP. Pleiku) chia sẻ: Gia đình ông có hơn 30 năm làm bánh Trung thu. Những năm gần đây, việc buôn bán không thuận lợi. Đặc biệt, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, số lượng bánh xuất ra thị trường chỉ bằng phân nửa so với các năm chưa có dịch. “Trước áp lực cạnh tranh với các sản phẩm bánh Trung thu khác, cơ sở không tăng giá bán dù chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, giá bánh dao động từ 5.000 đồng đến 25.000 đồng/cái. Cơ sở chủ yếu bỏ sỉ bánh ở các chợ, quầy tạp hóa, cửa hàng nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, năm nay, tình hình buôn bán khá ảm đạm, đơn đặt hàng không nhiều”-ông Vũ nói.

“Mới đây, đoàn liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu của tỉnh đã kiểm tra đột xuất tại cơ sở. Qua kiểm tra, cơ sở đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Sản phẩm bánh Trung thu do cơ sở sản xuất đảm bảo về chất lượng, không sử dụng chất bảo quản, giá cả phù hợp nhưng khi đưa ra thị trường vẫn khó cạnh tranh với các nhãn hàng khác”-ông Vũ thông tin thêm.

Hiện nay, các thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, Như Lan vẫn chiếm ưu thế trên thị trường bánh Trung thu. Tuy nhiên, với xu hướng tìm hương vị riêng, một bộ phận người tiêu dùng đã lựa chọn các sản phẩm bánh Trung thu handmade không sử dụng chất bảo quản, thời hạn sử dụng tuy ngắn nhưng an toàn cho sức khỏe. Dù vậy, muốn bán được sản phẩm thì cửa hàng phải có uy tín, tạo được sự tin tưởng của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho hay: Nếu mua bánh Trung thu biếu tặng người thân, tôi ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu. Còn nếu mua ăn, tôi chọn bánh Trung thu của cơ sở quen. Xét về chất lượng thì sản phẩm bánh Trung thu nhà làm cũng không thua kém bao nhiêu, trong khi giá cả rất phù hợp. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng vẫn thường chọn mua sản phẩm của những cơ sở lớn, có thương hiệu. Vì vậy, nếu không có sự độc đáo, hương vị riêng thì các sản phẩm bánh Trung thu do nhà làm rất khó cạnh tranh.

Trong khi nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu handmade đang loay hoay trong việc tiêu thụ sản phẩm thì Cơ sở bánh Tín Phát (20B Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) vẫn “sống khỏe”. Ông Phạm Quốc Thái-Chủ cơ sở-thông tin: Với thâm niên 22 năm sản xuất, kinh doanh bánh, cơ sở đã tạo được thương hiệu đối với người tiêu dùng. Mùa Trung thu năm nay, ngoài các loại bánh như ngày thường, cơ sở có sản phẩm bánh Trung thu thập cẩm với giá 120.000 đồng/cái loại 150 gram được khách hàng lựa chọn. “Chúng tôi luôn chú trọng làm ra các sản phẩm bánh chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Các đợt kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, cơ sở đều được đoàn kiểm tra đánh giá tốt. Qua đó, cơ sở đã dần xây dựng thương hiệu và tạo được sự tín nhiệm với khách hàng”-ông Thái cho biết.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm