Thời sự - Bình luận

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.

Ngày nay chắc hẳn mọi người đều đã biết lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong đạo Phật. Trong kinh Vu Lan Bồn có kể câu chuyện: Thời Đức Phật tại thế, trong Tăng đoàn có Ngài Mục Kiền Liên là đệ tử thần thông bậc nhất của Phật. Ngài có người mẹ đã mất tên là Thanh Đề. Sau khi đắc thần thông, Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn soi khắp thế gian, tìm xem mẹ đang ở nơi nào, thì thấy bà bị đọa sinh làm một ngạ quỷ, chịu khổ và đói khát vô cùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy Mục Kiền Liên được mệnh danh là đệ nhất thần thông trong Tăng đoàn của Phật, nhưng cũng không thể giúp mẹ của mình hết đói khổ. Bát cơm mà Ngài dâng cho mẹ, cứ đưa lên miệng là cháy rực như than hồng vì ác nghiệp của bà. Vâng theo lời Đức Phật dạy, Mục Kiền Liên chờ đến rằm tháng 7 âm lịch, vào ngày chư Tăng tự tứ, kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ, Ngài sửa soạn đại lễ dâng cúng dường chúng Tăng, hồi hướng phước báu thù thắng cho mẹ. Bà Thanh Đề nhờ hưởng phước báu hồi hướng ấy, mà thoát kiếp ngạ quỷ, sinh về cõi trời.

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu, tri ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Hơn thế nữa từ một nghi lễ của Phật giáo, lễ Vu Lan đã trở thành mùa lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa, khơi dậy những tình cảm thiêng liêng cao đẹp của con người, khiến mỗi người con không chỉ đau đáu tâm hiếu hướng về cha mẹ tổ tiên, mà còn khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn với quốc gia, dân tộc.

Ở nước ta, lễ Vu Lan còn gắn với tục lệ cúng rằm tháng Bảy - ngày “xá tội vong nhân” trong tín ngưỡng dân gian. Từ quan niệm dân gian về ngày “xá tội vong nhân”, hằng năm cứ vào dịp rằm tháng Bảy, với lối nghĩ “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình lại đổ tiền bạc mua sắm thật nhiều đồ vàng mã để đốt “gửi” cho những người đã khuất, xem đó như một cách thể hiện lòng hiếu với ông bà, tổ tiên. Không ít gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm lễ vật, bày mâm cao cỗ đầy để cầu cúng. Nhưng trên thực tế, cách báo hiếu, tri ân như vậy vừa không đúng với tinh thần Phật giáo, vừa gây lãng phí, tốn kém tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn rủi ro cháy nổ trong gia đình và cộng đồng.

Theo tinh thần của đạo Phật, báo hiếu với cha mẹ, ông bà trước hết và quan trọng nhất là phải thể hiện khi họ còn sống, phải biết chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ cả về vật chất và tinh thần bởi “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” (cha mẹ còn sống trên đời giống như Phật còn hiện hữu). Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển. Đạo làm con phải biết hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui ngay trong hiện đời. Nhưng như thế, theo lời Phật dạy vẫn là chưa đủ để báo ân trọn vẹn cho cha mẹ. Ngoài lòng hiếu thảo, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, người con còn cần trợ duyên giúp cha mẹ biết bỏ ác làm lành, tích phước, hướng thiện, gieo trồng những nhân lành trong hiện đời. Nhân lành này sẽ trổ quả ngọt để cha mẹ “nay vui, đời sau vui”.

Và khi cha mẹ đã khuất núi, thì cách báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật giáo cũng không phải là xì xụp cầu cúng, dâng mâm cao cỗ đầy, hay đốt vàng mã những mong mẹ cha, tiên tổ được hưởng thụ như những người đang sống. Theo tinh thần của đạo Phật, việc tỏ lòng thành kính biết ơn có nhiều cách thể hiện khác nhau, nhưng đều phải hướng tới mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sống và người đã khuất. Con cháu trong gia đình nên làm thật nhiều việc thiện, như hộ trì Phật pháp, tham gia, ủng hộ các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, cống hiến cho cộng đồng, phóng sinh cứu mạng.v.v.. để hồi hướng phước báu cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ.

Trước mùa Vu Lan năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông bạch kêu gọi tránh tổ chức sắm lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh, thực hiện các nghi lễ không phù hợp với chính pháp, không đốt vàng mã, đồng thời khuyến khích mọi người thực hiện các việc thiện thiết thực, như đền ơn đáp nghĩa những người có công với đất nước, cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu cha mẹ, tổ tiên.

Đảng và Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng khuyến khích người dân tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh hiện đại. Trên thực tế, những năm gần đây, đông đảo người dân cũng đã có bước tiến bộ lớn về nhận thức trong mùa Vu Lan. Thay vì đặt nặng hình thức thờ cúng, hóa vàng mã, những hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa đang được nhân rộng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần lan tỏa nhiều hơn thông điệp về báo hiếu, về tri ân, để tháng nào, ngày nào cũng là những dịp để đạo hiếu được tỏ bày, được thấm nhuần và tôn vinh.

Tinh thần đạo hiếu mùa Vu Lan chắc chắn sẽ bừng sáng hơn, khi mỗi người con đều biết sống có đạo đức, biết báo đáp “tứ trọng ân” (4 ơn nghĩa lớn), theo lời Phật dạy: đền ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn chúng sinh và ơn đất nước.

Theo Thu Hằng (baotintuc)

Có thể bạn quan tâm