Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Báo chí phải làm chủ trận địa thông tin, phản bác quan điểm sai trái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo chí chính thống cần thông tin nhanh, chính xác, làm chủ trận địa thông tin, đồng thời cần đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

 PGS. TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng, báo chí chính thống cần làm chủ trận địa thông tin, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Ảnh Nguyễn Xuân


Báo chí cần làm chủ trận địa thông tin

Theo số liệu thống kê về Internet tại Việt Nam, tính tới thời điểm tháng 1.2020, hiện đang có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam. Trong đó có khoảng 65 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc và kể cả quảng cáo bán hàng.

Thực tế, với sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, tạo nên sự cộng hưởng, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng hành động.

Tuy nhiên, không gian mạng internet, mạng xã hội cũng có nhiều rủi ro do tính thiếu xác thực của thông tin. Đặc biệt, vào những dịp đặc biệt như Đại hội Đảng toàn quốc, có những thế lực lợi dụng môi trường truyền thông số để tìm cách dựng chuyện, bôi nhọ cán bộ, kích động chia rẽ nội bộ…

Những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, chứa đựng nhiều nội dung xấu, thậm chí là phản động… đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, thậm chí đã có những hành động không tốt xảy ra trong thời gian qua.

Một trong những giải pháp cần thực hiện để đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực do ảnh hưởng tiêu cực của vấn nạn tin giả, tin độc trên mạng xã hội đó là cần phát huy trách nhiệm của báo chí chính thống là đưa những nguồn thông tin tin cậy để định hướng dư luận.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, báo chí chính thống cần phải làm chủ trận địa thông tin, thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ, kịp thời mọi vấn đề của đời sống xã hội, đẩy lùi thông tin giả, thông tin xấu trên mạng xã hội.

“Trong lĩnh vực thông tin, thông tin nào đến với người dân đầu tiên thì thường gây ấn tượng sâu sắc với người tiếp cận. Nếu các cơ quan báo chí đưa tin sớm, tin nhanh và kịp thời thì gây ấn tượng và định hướng dư luận” - ông Phúc nêu và cho rằng nếu chúng ta không kịp thời thì thông tin trên mạng xã hội đã vào đầu người dân mất rồi.

Báo chí đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, bước đầu, cơ quan báo chí chính thống của ta phải đưa thông tin sớm để chiếm lĩnh trận địa. Bước hai là với những vấn đề quan trọng cần có những bài phân tích với những cơ sở khoa học, thực tiễn, có tính thuyết phục để người đọc thấy rõ được sự thực như vậy.

Từ thông tin ban đầu đến thông tin được phân tích, đánh giá, lập luận là như vậy, như vậy người đọc nắm rõ bản chất và có sức đề kháng với những thông tin xấu độc, nhận diện được đâu là tin đúng, đâu là sai. Và với những vấn đề quan trọng nữa thì cần có những bài đấu tranh, phê phán, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Những lập luận phê phán đó phải có sức thuyết phục để tránh những thông tin suy diễn. Cách đưa thông tin như vậy đảm bảo chắn chúng ta làm chủ được trận địa thông tin.

“Khi thực hiện được như vậy, người đọc, tức là người dân hiểu rõ, thấu đáo từng vấn đề một và tự họ phân biệt được đâu là đúng sai và có sức đề kháng trước những thông tin giả, tin xấu độc” - ông Phúc nhấn mạnh.

Ông Phúc phân tích, thông tin trên mạng xã hội nhiều khi theo kiểu “râm ran tin đồn”, thật giả lẫn lộn, đặc biệt có những thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, đưa ra những quan điểm, luận điệu sai trái.

Đáng nguy hại và khó phân biệt hơn, nhiều khi các thế lực thù địch đưa ra những bài viết với những dẫn chứng, số liệu thật nhưng trong bài lại lồng ghép vào đó những ý đồ, quan điểm sai trái, chống phá rất dễ gây hiểu lầm cho người đọc. Do vậy, chúng ta cần nhận diện vấn đề này một cách rất kịp thời và đưa ra phương pháp đấu tranh hiệu quả.

“Ví dụ như mới đây, liên quan tới vụ bắt ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh, thì từ thông tin ban đầu, sau đó cần có những bài phân tích đầy đủ vì sao ông Cang lại bị bắt, bị truy tố vì lý do gì, có sai phạm như thế nào?

Có như vậy chúng ta mới phản bác những thông tin của các thế lực thù địch với những luận điệu sai trái là trước Đại hội nên có việc này, việc kia. Do đó cần phải có những bài phân tích sâu, với ý kiến của các chuyên gia trên cơ sở khoa học, lập luận xác đáng” - ông Phúc nêu ví dụ.

 


Cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin sớm cho báo chí

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển một cách nhanh chóng thì các cơ quan báo chí cũng cần phải có những đổi mới cách làm, phải chuyển báo chí của chúng ta thành báo chí số hoặc ngay trên mạng xã hội cũng cần có những trang facebook để thông tin kịp thời, nhanh nhạy nhất cho xã hội.

Các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức… phải có đơn vị, bộ phận, người thường xuyên cung cấp thông tin nhanh nhạy cho báo chí chính thống để những cơ quan này thông tin sớm nhất và nhanh nhất. Có như vậy mới có thể phát huy được vai trò dẫn dắt thông tin.


https://laodong.vn/thoi-su/bao-chi-phai-lam-chu-tran-dia-thong-tin-phan-bac-quan-diem-sai-trai-863189.ldo



Theo Vương Trần (LĐO)

Có thể bạn quan tâm