Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Mặt trận đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền.

Một tháng sau khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X, Ban tổ chức đã tiếp nhận 14.576 lượt bài tham gia dự thi, trong đó có 7.550 bài trả lời đúng.

Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho hay: Cuộc thi được triển khai đồng thời qua 2 hình thức nên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  Người có uy tín xã Ia Blang (huyện Chư Sê) tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Ảnh: T.D
Người có uy tín xã Ia Blang (huyện Chư Sê) tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Ảnh: T.D


Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức cuộc thi viết “Về sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”. Cuộc thi hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, bám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề đoàn kết, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và cũng đạt được những kết quả tích cực.

Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức thành công hội thi “Cán bộ làm công tác dân vận-Mặt trận giỏi”. Trừ phần thi kiến thức, các đội bốc thăm câu hỏi và trả lời theo quy định, 2 phần thi còn lại là chào hỏi, tiểu phẩm đều được khuyến khích thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện: Các đội đã khéo léo lồng ghép sự hiểu biết cũng như vận dụng các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong xử lý các tình huống tại cơ sở trong từng tiểu phẩm. Qua đó, truyền tải thông điệp cũng như hiệu ứng tích cực trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân và định hướng dư luận xã hội. Bà Đinh Thị Thu Tươi-Trưởng ban Tổ chức-Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho hay: “Trang thông tin điện tử cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên cập nhật các văn bản của trung ương, của tỉnh và đăng tải các thông tin liên quan đến công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên, thu hút đông đảo bạn đọc truy cập. Mặt trận các cấp đều có nhóm Zalo, Fanpage để chuyển tải thông tin kịp thời, chính xác đến các thành viên. Tiếp tục thực hiện Đề án số về đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam, dự kiến quý I-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ ra mắt Bản tin công tác Mặt trận tỉnh, cấp phát đến Ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Đây là kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến các hoạt động cũng như văn bản mới của trung ương, của tỉnh đến cơ sở; đồng thời là diễn đàn để nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, những gương điển hình tiên tiến trong hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên”.

Mặt khác, Mặt trận các cấp tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả các hình thức tuyên truyền miệng, băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh, hoạt động văn hóa-văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.576 trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng và 955 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những “cánh tay nối dài” của Mặt trận, là cầu nối quan trọng đưa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phát huy kết quả đạt được, Mặt trận các cấp tiếp tục linh hoạt, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của Nhân dân và phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm