Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đề cao các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điều lệ Đảng nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc “xương sống” trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, nhận thức rõ những khuyết điểm, yếu kém để xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, từ nhận thức đến hành động và mọi đảng viên phải đoàn kết, thống nhất trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân là mục đích hoạt động của Đảng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng đã cơ bản đảm bảo tính bao quát, toàn diện, đầy đủ và phù hợp; các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc”.
Những kết quả thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được các tổ chức cơ sở Đảng thể hiện rõ: Các chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp được cấp ủy cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước cấp ủy cấp trên và định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức Đảng trực thuộc. Xây dựng quy chế làm việc và thực hiện theo quy chế đã đề ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Đoa khóa XVII (mở rộng). Ảnh: Thanh Nhật
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Đoa khóa XVII (mở rộng). Ảnh: Thanh Nhật
Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình, phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến và thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp mà cấp ủy, chi bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức, trong nội bộ tổ chức Đảng và trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ở cơ sở còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, một số bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở chưa nắm rõ những nội dung cơ bản của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Do đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị còn lúng túng, dễ xảy ra sai phạm. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc, có nơi chưa nghiêm. Việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng các cấp còn chậm và chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tình trạng thiếu ý thức tổ chức kỷ luật vẫn còn xảy ra. Một số cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến của cấp dưới, còn có tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện nội dung tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có nơi còn lúng túng, không xác định mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân.
Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu, nhiệm vụ lãnh đạo hàng tháng có lúc chưa sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, chưa phát huy hết tinh thần và trí tuệ của đảng viên trong quá trình tham gia xây dựng nghị quyết. Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình có nơi làm chưa nghiêm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tự soi, tự sửa, chưa thấy được những hạn chế, khuyết điểm của mình và có giải pháp khắc phục; trong phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, tính chiến đấu chưa cao, thấy đúng chưa dám bảo vệ, thấy sai chưa dám đấu tranh dẫn đến một số cán bộ, đảng viên bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu, còn có biểu hiện quan liêu, xa dân, chưa thực sự gần dân, hiểu dân, học dân.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay, tôi xin đề xuất một số giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, Trung ương và tỉnh cần có các văn bản hướng dẫn rõ nội dung thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong từng lĩnh vực hoạt động của Đảng, cụ thể như: thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức của Đảng, xây dựng và tuân thủ quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng; trong sinh hoạt Đảng; trong mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với đảng viên; trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, thực hiện quy trình ra nghị quyết, thảo luận, bảo lưu ý kiến của thiểu số, việc chấp hành nghị quyết, chế độ trách nhiệm, kiểm tra, giám sát…
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, về Quy định những điều đảng viên không được làm, các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, nội quy, quy chế làm việc của cấp ủy, của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu trong việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, trong mọi công việc, trong lối sống, sinh hoạt hàng ngày.
Ba là, thực hiện nền nếp, duy trì thường xuyên, đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, không mệnh lệnh, áp đặt, không làm qua loa, hình thức, nể nang, né tránh. Mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi chi bộ, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự soi, tự sửa, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm; thực hiện tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau, cấp trên gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo.
Bốn là, làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, chấp hành và vận động, thuyết phục người dân cùng chấp hành nghị quyết của Đảng; thường xuyên tự học tập về mọi mặt, trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cần kiệm liêm chính, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng.
Năm là, xây dựng, giữ gìn và củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tập trung công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trọng tâm là giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng; củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sáu là, tăng cường và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của các tổ chức Đảng; rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đi liền với xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những đảng viên vi phạm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN HỮU THỌ
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa

Có thể bạn quan tâm