(GLO)- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức điều tra dư luận xã hội về hiệu quả công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Cuộc điều tra nhằm thu thập ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mức độ quan tâm, hiệu quả của công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.
Nhân dân quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao
Cuộc điều tra được thực hiện qua môi trường internet (mạng xã hội Facebook, Zalo) trên quy mô toàn tỉnh đã thu hút 16.531 cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia trả lời phiếu. Căn cứ kế hoạch điều tra, báo cáo tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu 10.000/16.531 phiếu thu được theo 6 nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức (30% số phiếu); cán bộ hưu trí, lực lượng vũ trang, người làm kinh doanh, dịch vụ, học sinh, sinh viên (20% số phiếu); công nhân, nông dân và quần chúng nhân dân (50% số phiếu). Kết quả, trong số người được hỏi, 75,83% trả lời rất quan tâm đến vấn đề này; 22,37% trả lời có quan tâm nhưng không nhiều; 0,96% không quan tâm và 0,84% chọn phương án khó trả lời. Điều đó chứng tỏ công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực do Đảng ta phát động, lãnh đạo được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và xem đây là nhiệm vụ “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Khi được hỏi về những kết quả nổi bật, đáng phấn khởi trong công tác PCTN, tiêu cực từ năm 2013 đến nay, có 78,91% số người được hỏi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN, tiêu cực; 57,78% đánh giá cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng đối với cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực; 55,31% đánh giá cao sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; 46,8% đánh giá cao việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, 46,13% người được hỏi đánh giá cao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, khắc phục sơ hở, bất cập trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực; 46,06% đánh giá cao công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; 43,86% đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN, tiêu cực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; 41,57% đánh giá cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đánh giá về những chuyển biến trong công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh trong thời gian qua, có 64,74% ý kiến được hỏi đồng tình với nhận định “công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có bước chuyển biến rõ rệt, tích cực trên cả hai phương diện phòng ngừa và phát hiện xử lý”. Tiếp đến là công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được thực hiện tích cực, nghiêm minh, đúng pháp luật (40,73%); công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; đã phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm (37,96%); vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí ngày càng được phát huy (33,42%); việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai tương đối đồng bộ và phát huy tác dụng tốt (31,72%).
Về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực của tỉnh trong thời gian qua, có 42,88% số người được hỏi đánh giá đạt hiệu quả; 23,94% đánh giá đạt hiệu quả khá và 13,51% đánh giá đạt hiệu quả rất cao. Chỉ có 9,26% số người được hỏi cho rằng không đạt hiệu quả và 10,41% chọn phương án khó trả lời. Điều đó cho thấy, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 2 phương diện phòng ngừa và phát hiện, xử lý.
Tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, công tác PCTN, tiêu cực ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. 44,63% số người được hỏi cho rằng 2 hạn chế, tồn tại lớn nhất hiện nay trên lĩnh vực này là một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, “nói không đi đôi với làm” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; 42,11% cho rằng số vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện vừa qua còn ít so với thực tế; 33,36% cho rằng tỷ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng còn thấp; 30,05% đánh giá hoạt động tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực hiệu quả thấp; 29,74% đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN, tiêu cực cho cán bộ, đảng viên và người dân chưa thực sự hiệu quả; 29,07% cho rằng chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Về các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian đến, theo kết quả điều tra, 81,7% số người được hỏi cho rằng cần phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu đối với công tác PCTN, tiêu cực. Tiếp đến lần lượt là: nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh (62,83%); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra lĩnh vực PCTN, tiêu cực một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (59,17%); kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý, trong đó phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách (59,05%); có cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung (54,11%); xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch (52,89%); xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, “nói không đi đôi với làm” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực (51,47%); đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt” (50,74%); xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kịp thời bố trí cán bộ sang vị trí khác, làm công việc khác sau khi bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực (50,28%). Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người dân (47,15%); có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc (44,76%); đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (42,14%); thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị (41,51%); tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội và PCTN, tiêu cực (41,47%); phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, cơ quan báo chí và người dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác PCTN, tiêu cực (42%); kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (41,5%); tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực (38,24%).
TỐNG THỚI MỐC