Báo chí phản ánh đời sống đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chất lượng các tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia lần thứ I được đánh giá là đồng đều, thực sự là bức tranh phản ánh khách quan tình hình đất nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là lời khẳng định của ông Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng giải Báo chí quốc gia lần thứ VI trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.

Thưa ông, các tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia năm 2011 có những điểm nổi trội nào?

 

 

Giải Báo chí Quốc gia năm 2011 có 1.268 tác phẩm tham dự 8 loại giải thuộc 117 đơn vị báo chí tham dự. Theo tôi, các tác phẩm tham dự giải đã phản ánh được tổng thể của tình hình đất nước về kinh tế- xã hội cũng như về mặt đối ngoại cũng như những vấn đề khác mà xã hội quan tâm. Đó là chủ trương đường lối của Đảng, vấn đề chủ quyền biển đảo, về an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhiều tác phẩm đã nêu những bất cập, những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống. Có tác phẩm nêu lên chính sự bất cập của loại hình báo điện tử (Báo điện tử đi về đâu?)...

Bên cạnh việc số lượng các đơn gửi bài dự thi nhiều hơn năm trước, ông đánh giá thế nào về mặt bằng chất lượng tác phẩm báo chí?

Năm nay số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham dự tăng cao so với các năm trước (55/63 Hội so với năm 2010 có 51, năm 2009 có 50 Hội). Điều này cho thấy sức hấp dẫn của giải ngày càng tăng. Đáng chú ý là có 164 tác phẩm của cộng tác viên và 27 cá nhân gửi tác phẩm ảnh báo chí tham dự.

Báo chí địa phương năm nay chất lượng tốt, thậm chí “ngang ngửa” với báo chí trung ương. Ví dụ báo chí trung ương quan tâm đến đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì báo chí địa phương cũng thể hiện rõ ràng và sinh động điều này. Về đời sống xã hội thì ở nông thôn, địa phương thì báo chí địa phương đi sâu sát hơn.

Ông có nhận xét gì về  thể loại điều tra, phóng sự của giải năm nay?

Điều tra, phóng sự, là thế mạnh của báo chí chúng ta hiện nay và những tác phẩm gửi dự thi kỳ này cũng khá phong phú, đi vào nhiều đề tài và kỹ thuật viết cũng khá hấp dẫn. Có những nhà báo đã đầu tư rất nhiều để làm phóng sự điều tra. Ví dụ như có một bài viết về tinh luyện dầu ăn bằng hóa chất thì tác giả đã dành 7 tháng để thực hiện. Có tác phẩm về chuyện chạy điểm trong khi đi thi thì tác giả đã phải theo đuổi từ đầu chí cuối (lúc việc xin vào dự, rồi đi thi như thế nào, kết quả ra sao, sau đó mời công an đến để giải quyết)… nghĩa là nhà báo dành nhiều thời gian công sức cho bài viết.

Việc này đã thể hiện bản lĩnh người nhà báo không sợ khó khăn, gian khổ, người viết lăn lộn với đời sống, điều rất đáng hoan nghênh.

Thế còn những tác phẩm viết về gương người tốt việc tốt?

Chúng ta đã viết về người tốt việc tốt khá nhiều, nhưng hình như đã có một khuôn mẫu nhất định, bài viết chưa thật sinh động. Vấn đề là chúng ta phải phát hiện được những nhân tố mới. Thêm nữa, có một điều mà chúng ta cần quan tâm và cần giải quyết là: khi viết về đề tài chống tiêu cực, các nhà báo rất say sưa còn khi viết về những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt thì hình như cứ theo một khuôn mẫu. Cách viết còn rập khuôn, không sinh động, bị lặp đi lặp lại, xáo mòn.

Xin ông nhận xét về hai tác phẩm đoạt giải cao nhất?

Năm nay có 2 tác phẩm đoạt giải A (đều là giải của báo nói và báo hình). Đây là hai tác phẩm tạo được hiệu quả về mặt xã hội, đi vào chủ đề khá nóng, được dư luận quan tâm.

Bộ phim tài liệu "Tượng đài Bác Hồ giữa Thủ đô nước Nga" do nhóm tác giả Trần Cầm, Duy Nghĩa, Lê Thắng và Việt Anh (Trung tâm Phim tài Liệu và Phóng sự- Đài Truyền hình VN thực hiện) đã thể hiện một cách sâu sắc và thuyết phục về tình cảm không chỉ của người dân VN với Bác Hồ mà cả lòng tôn kính của người nước ngoài đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giải A của Đài Tiếng nói Việt Nam: "Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế" của nhóm tác giả: Thùy Vân, Thu Lan, Lê Văn Phúc và Lê Bình là loạt bài công phu, khẳng định rõ ràng Việt Nam là nước đầu tiên xác lập chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Bằng những chứng cứ lịch sử, bằng những văn bản còn tồn tại thì khẳng định đây là Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Các nhà báo đã tìm được những văn kiện, chứng cứ lịch sử xác thực thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm