Thời sự - Bình luận

Bảo đảm tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

"Chúng tôi cũng muốn chờ cho đủ điều kiện để sau này có lương hưu, nhưng không thể chờ được khi bị mất việc, chờ việc. Không có thu nhập trong khi gia cảnh bao thứ rất cần tiền. Thôi đành đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần".

Rất nhiều người lao động (NLĐ) đã nói như vậy khi đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Họ nói mình không có sự lựa chọn nào khác, bởi vay tín dụng đen thì lo lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất. Còn chờ hưu trí thì thời gian dài, xa xăm diệu vợi...

Từ sau khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, tình trạng nhận trợ cấp một lần tăng nhanh. Tại TP HCM, năm 2020, cơ quan BHXH giải quyết 111.742 hồ sơ nhận trợ cấp một lần. Dù ghi nhận giảm 98.586 người tham gia BHXH bắt buộc, nhưng lại tăng 14.546 hồ sơ nhận trợ cấp một lần so với năm 2019. Đa số những người nhận trợ cấp một lần có tuổi đời còn rất trẻ. Năm 2015 tuổi đời trung bình của người hưởng là 39,9 tuổi, đến năm 2020 chỉ còn 35,4 tuổi. Số hồ sơ có quá trình tham gia BHXH trên 10 năm nhận trợ cấp một lần từ 8.275 (tỉ lệ 11%) năm 2015, đến năm 2020 tăng lên 24.915 hồ sơ (tỉ lệ 22,3%)…

Đây là diễn biến đáng quan tâm trong thực hiện Luật BHXH những năm gần đây. Bên cạnh những mặt tích cực, luật pháp về BHXH vẫn còn những bất cập, chưa hấp dẫn một bộ phận NLĐ. Dễ thấy nhất là những ràng buộc về điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, với không ít NLĐ là khó khăn, thậm chí không thể. Được tuổi đời thì thời gian làm việc không đủ hoặc đủ điều kiện thời gian thì điều kiện tuổi đời chưa đủ…

Thay vì điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tiễn, phát huy hiệu quả luật pháp, mới đây Bộ LĐ-TB-XH lại đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH nếu nhận trợ cấp một lần. Đề xuất này là một điển hình về tư duy kiểu "không quản được thì cấm" hoặc đưa ra những điều kiện ngặt nghèo để ngăn chặn. Quy định trên là trái với mục tiêu khuyến khích, thu hút số đông NLĐ tham gia BHXH; chưa giải thích rõ cho NLĐ về khoản tiền 50% còn lại được quản lý ra sao, trong khi NLĐ phải được hưởng chứ không để lại cho người khác hưởng hay hòa vào kinh phí của hệ thống BHXH một cách chung chung…

Cũng cần nhắc lại rằng, để đưa quyền lợi hưu trí đến với nhiều NLĐ hơn nữa, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ về việc sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Do đó, những điều khoản nào tác dụng tốt thì nên đưa vào đời sống, lợi cho người thụ hưởng. Điều khoản nào chưa ổn thì nên điều chỉnh. Khi pháp luật có tính khả thi cao với những quy định thấu tình đạt lý, sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội. Với Luật BHXH, phải thiết kế, vận hành theo hướng luôn giúp NLĐ thấy được, nhận được quyền lợi họ cần; đồng thời linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh sống, với những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, đời sống - việc làm. Đừng để NLĐ chọn cách tự rời lưới an sinh xã hội khi tuổi đời còn rất trẻ, không có tương lai bảo đảm khi đến tuổi già.

Theo HIỀN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm