Báo Gia Lai: 70 năm xây dựng, đổi mới, phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những tờ báo ra đời khá sớm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong 70 năm xây dựng và phát triển (1947-2017), Báo Gia Lai xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh

Sau trận đánh Tú Thủy (14-3-1947), giặc Pháp điên cuồng khủng bố trả thù, tàn sát nhiều người dân ở Vĩnh An, Tân Lập (An Khê), làm cho phong trào kháng chiến gặp nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh chóng giác ngộ nhân dân nhằm mở rộng cơ sở cách mạng, ngày 16-3-1947, tại làng Thuận Nghĩa, huyện Bình Khê (nay là khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Tỉnh ủy Gia Lai quyết định cho ra đời tờ báo Sáng, với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai. Báo Sáng đã phổ biến học thuyết Mác-Lênin, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương; kịp thời đưa các chủ trương của Đảng bộ tỉnh thâm nhập vào quần chúng và tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở cách mạng. Báo Sáng do đồng chí Phan Thêm làm Chủ nhiệm, đồng chí Phan Bá làm Chủ bút. Báo in khổ A5, mỗi số có 16 trang, ra mỗi tháng 2 kỳ. Đây là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ. Ngày 16-3 trở thành Ngày truyền thống của Báo Gia Lai.

 

Tập thể cán bộ, viên chức Báo Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Tập thể cán bộ, viên chức Báo Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Đến tháng 10-1947, để phù hợp với tình hình mới, tờ Thông tin Gia Lai và tờ báo Sáng đình bản để ra đời tờ Nỗ Lực. Tờ Nỗ Lực do đồng chí  Phan Bá chỉ đạo về nội dung tuyên truyền, tiếp đó là đồng chí Nguyễn Xuân và đồng chí Tống Đình Phương. Đến cuối năm 1952, để tập trung cho chiến dịch Đông Xuân, tờ Nỗ Lực ngừng xuất bản để in biểu ngữ, áp phích, bản tin chiến sự và truyền đơn phát cho các đội tuyên truyền.

Sau Hiệp định Genève, Đảng bố trí một số cán bộ ở lại để tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh. Bộ khung Tỉnh ủy Gia Lai gồm 5 người do đồng chí Trương An làm Bí thư và 134 cán bộ dân chính và quân đội. Ngày 20-7-1955, tại cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai đóng ở xã Đê Sró (khu 7), Tỉnh ủy quyết định ra tờ nội san để tuyên truyền lấy tên là Vững Tiến. Việc in tờ Vững Tiến và các bản tin tiếng Jrai, Bahnar giao cho Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhận. Đồng chí Bạch Quang Khanh lúc bấy giờ là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhận việc viết chữ ngược trên bảng đá. Nội dung tuyên truyền do Bí thư Tỉnh ủy Võ Trung Thành chỉ đạo. Biên dịch tiếng Jrai, Bahnar do đồng chí Rơchơm Briu phụ trách. Lúc bấy giờ, do kỹ thuật hạn chế và khó khăn về giấy, mực nên báo ra mỗi tháng chỉ 1 kỳ, khổ 13x19 cm, dày 4 trang, số lượng phát hành đủ để phát cho mỗi khu từ 1 đến 2 tờ. Ban đầu, tờ Vững Tiến được in 3 thứ tiếng: Phổ thông, Jrai, Bahnar; sau đó tách riêng ra thành bản tin tiếng Jrai, tiếng Bahnar với khổ nhỏ hơn tờ Vững Tiến, mỗi tháng xuất bản 2 kỳ. Tờ Vững Tiến có nhiều tin bài tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng ta, đồng thời chống lại luận điệu tuyên truyền phá hoại Hiệp định Genève của địch. Dù hình thức tờ Vững Tiến còn đơn giản, nội dung chưa phong phú nhưng đó là chỗ dựa tinh thần của cán bộ, nhân dân. Riêng tờ tin tiếng Jrai, Bahnar ngoài việc cung cấp thông tin còn là tài liệu học tiếng dân tộc bản địa của cán bộ cách mạng ở cấp khu và cơ sở.

Đầu năm 1957, tờ Vững Tiến đổi tên thành Thống Nhất để tuyên truyền, đấu tranh, vạch rõ âm mưu lập dinh điền của địch. Bên cạnh tờ Thống Nhất tiếng phổ thông, chúng ta tiếp tục duy trì các tờ Thống Nhất tiếng Bahnar lấy tên là Pơling và tiếng Jrai lấy tên Pơlir do đồng chí Rơchơm Briu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tuyên huấn, trực tiếp chỉ đạo và dịch, viết tin bài.

Năm 1961, tờ Thống Nhất đổi tên thành tờ Quyết Thắng, thể hiện sự quyết tâm của quân và dân tỉnh Gia Lai vùng lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.Tờ Quyết Thắng do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Chánh phụ trách chỉ đạo về nội dung, khổ 21x29 cm, gồm 4 trang, mỗi tháng ra 2 số, in 200 tờ, phát hành chủ yếu trong các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Tờ tin tiếng Jrai và tiếng Bahnar in khổ 10x14 cm, khoảng 100 tờ, nửa tháng 1 kỳ. Nội dung tờ Quyết Thắng được mở rộng với nhiều đề tài, phong phú và đa dạng hơn.

 

Nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai cắt băng khai trương Văn phòng thường trú tại thị xã An Khê tháng 2-2008. Ảnh: Lê Hà
 Ảnh: Đ.T

Cuối năm 1965, Tỉnh ủy quyết định đổi tên Quyết Thắng thành Giải phóng. Mặc dù là cơ quan thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhưng về nội dung tuyên truyền đều có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tuyên huấn. Bấy giờ có sự bổ sung cán bộ từ miền Bắc vào nên tờ Giải Phóng được tăng cường thêm người có chuyên môn viết tin bài, có 2 họa sĩ chuyên trình bày, vẽ tranh minh họa. Bộ phận in litô cũng được bổ sung thêm người viết nhanh, đẹp. Tờ báo bước đầu được đổi mới về hình thức và nội dung, thu hút được bạn đọc. Ngày 4-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Báo Giải Phóng cử phóng viên theo sát phong trào, các cánh quân để đưa tin kịp thời các địa phương được giải phóng.

Đổi mới, hội nhập

Sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), Báo Giải Phóng của Gia Lai tiếp tục xuất bản, đến đầu tháng 11-1975 thì hợp nhất với Báo Giải Phóng của Kon Tum thành Báo Gia Lai-Kon Tum thuộc Ty Thông tin-Văn hóa. Báo Gia Lai-Kon Tum số ra đầu tiên vào ngày 10-12-1975, có 4 trang, số lượng trên 200 tờ, khổ 28x42 cm, sau đó, phát hành đều kỳ vào ngày 10 và 25 hàng tháng với số lượng 7.000 tờ/kỳ.

 

Từ ngày 1-7-1976 trở đi, báo Gia Lai-Kon Tum chính thức trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, do đồng chí Phạm Hồng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Đội ngũ làm báo bấy giờ chỉ có 4 phóng viên chuyên trách do nhà báo Trần Liễm phụ trách.

Ngày 8-8-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 59/QĐ thành lập Ban Biên tập báo Đảng tỉnh, gồm: đồng chí Phạm Hồng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm; đồng chí Nguyễn Khắc Quán làm Phó Tổng Biên tập. Từ đây, Báo Gia Lai-Kon Tum có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động, xây dựng và trưởng thành của tờ báo Đảng bộ tỉnh. Báo Gia Lai-Kon Tum từ 1 kỳ/tuần nâng lên 2 kỳ/tuần và phát hành 5.000 tờ/kỳ. Đến năm 1987, đồng chí Nguyễn Hồng Quang-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm, kiêm chức Tổng Biên tập thay đồng chí Phạm Tu. Năm 1989, đồng chí Trần Liễm được bổ nhiệm Tổng Biên tập thay cho đồng chí Nguyễn Hồng Quang. Cũng trong năm này, tờ Gia Lai-Kon Tum đã chuyển sang in khổ lớn 42x58 cm, vẫn xuất bản 2 kỳ/tuần vào ngày thứ tư và thứ bảy; số lượng phát hành 5.000 tờ/kỳ.

Sau khi hoàn tất việc tái lập tỉnh Gia Lai, ngày 2-11-1991, tờ báo của Đảng bộ tỉnh do đồng chí Trần Liễm làm Tổng Biên tập, ra số đầu tiên với tên gọi Báo Gia Lai, vẫn tiếp tục xuất bản như Báo Gia Lai-Kon Tum trước đây, 2 kỳ/tuần, phát hành vào ngày thứ tư và thứ bảy, gồm 4 trang, khổ 28x42 cm, số lượng phát hành 3.000 tờ/kỳ. Đến số báo thứ 36 (ra ngày 1-7-1992), Báo Gia Lai xuất bản 2 kỳ/tuần, khổ 29x41 cm, gồm 8 trang; số lượng phát hành 3.800 tờ/kỳ.

Đến năm 1993, đồng chí Phạm Thượng Ký-Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được bổ nhiệm Tổng Biên tập thay cho đồng chí Trẫn Liễm nhận công tác khác. Báo Gia Lai lúc này có thêm ấn phẩm Gia Lai Cuối tháng, gồm 32 trang, khổ 19x27 cm, bìa in 4 màu, phát hành vào ngày 20 hàng tháng với số lượng 5.000 tờ/kỳ.

Năm 1995, đồng chí Phạm Thượng Ký nghỉ hưu, Phó Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà được bổ nhiệm Tổng Biên tập. Thời kỳ này, Báo Gia Lai đã có những đổi mới về cơ chế hoạt động, từ chỗ in báo theo công nghệ in typô lạc lậu chuyển sang công nghệ in offset, các ấn phẩm thay đổi hẳn cả nội dung và hình thức.

Năm 1998, đồng chí Đặng Thị Thu Hà chuyển công tác, đồng chí Nguyễn Phi Yến-Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy được bổ nhiệm Tổng Biên tập. Từ ngày 17-3-2000, được sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Gia Lai xuất bản thêm ấn phẩm Gia Lai Cuối tuần 1 kỳ/tuần, khổ 29x41 cm, gồm 12 trang; in 4 màu, phát hành vào ngày cuối tuần, số lượng 6.500 tờ/kỳ; nội dung của ấn phẩm này chuyên về giải trí và thông tin chỉ dẫn; đổi tên tờ báo Gia Lai Cuối tháng thành Nguyệt san Gia Lai, khổ 20x29 cm, dày 36 trang, phát hành vào ngày 25 hàng tháng. Tăng kỳ xuất bản tờ báo Gia Lai ngày từ 2 kỳ lên 3 kỳ/tuần, phát hành vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu, số lượng 6.500 tờ/kỳ.

 

Nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai cắt băng khai trương Văn phòng thường trú tại thị xã An Khê tháng 2-2008. Ảnh: Lê Hà
Nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai cắt băng khai trương Văn phòng thường trú tại thị xã An Khê tháng 2-2008. Ảnh: Lê Hà

Tháng 2-2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Đoàn Minh Phụng-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Sê làm Tổng Biên tập thay đồng chí Nguyễn Phi Yến chuyển công tác khác. Ngày 21-6-2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Báo Gia Lai tổ chức xuất bản Báo ảnh Gia Lai bằng 3 ngôn ngữ: Kinh, Jrai, Bahnar, 2 kỳ/tháng, khổ 28x41 cm, gồm 4 trang, in 4 màu, phát hành vào ngày 15 và 30 hàng tháng, số lượng 3.500 tờ/kỳ, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 10-3-2006, Báo ảnh Gia Lai tiếp tục tăng từ 2 kỳ lên 3 kỳ/tháng, đến ngày 3-1-2008, tiếp tục tăng lên 4 kỳ/tháng, phát hành vào thứ hai hàng tuần. Từ tháng 10-2003, Báo Gia Lai đảm nhận khâu biên dịch, in và phát hành bản tin Dân tộc Miền núi của Thông tấn xã Việt Nam từ ngữ phổ thông sang ngữ Jrai và Bahnar.

Năm 2004, Thường trực Tỉnh ủy nhất trí tăng kỳ xuất bản báo Gia Lai ngày từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tuần và đến ngày 22-6-2010 tăng từ 4 kỳ lên 5 kỳ/tuần. Từ đó, chỉ số phát hành của báo Gia Lai đã tăng lên đáng kể; ngoài tờ Nguyệt san Gia Lai phát hành 5.000 tờ/kỳ, báo Gia Lai hàng ngày phát hành 7.500 tờ/kỳ. Cùng với báo in, báo ảnh, ngày 16-3-2009, trang điện tử Báo Gia Lai ra đời và đến tháng 9-2012 trở thành  báo Điện tử.

 

Nhà báo Huỳnh Kiên-Phó Tổng Biên tập phụ trách (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến về nguồn tháng 2-2017. Ảnh: Đ.T
Nhà báo Huỳnh Kiên-Phó Tổng Biên tập phụ trách (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến về nguồn tháng 2-2017. Ảnh: Đ.T

Trong 70 năm qua, Báo Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, bộ ngành tặng thưởng 1 Huân chương Giải phóng hạng ba, 1 Huân chương Độc lập hạng nhì, 1 Huân chương Độc lập hạng ba, 2 Huân chương Lao động hạng nhất, và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tặng cho Báo Gia Lai nhiều cờ thi đua, bằng khen.
 

Ngày 1-1-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Kiên làm Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Gia Lai thay cho đồng chí Đoàn Minh Phụng nghỉ hưu. Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, báo Gia Lai hàng ngày tăng từ 8 trang lên 12 trang, phát hành 4 kỳ/ tuần, Gia Lai Cuối tuần phát hành vào ngày thứ sáu.

Nhìn lại 26 năm sau khi tái lập tỉnh (1991-2017), Báo Gia Lai đã có những bước phát triển vượt bậc. Đây là thời kỳ Báo Gia Lai có nhiều ấn phẩm nhất, đã cập khá nhanh thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Các chuyên trang, chuyên mục được bổ sung, cải tiến khoa học hơn, chất lượng cao hơn. Tập trung tuyên truyền sâu rộng và liên tục Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết Đảng bộ tỉnh, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, tuyên truyền kịp thời các chương trình hành động và nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các cuộc vận động xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn, tiêu cực xã hội và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Trình độ tác nghiệp của phóng viên được nâng lên theo hướng làm báo hiện đại của một tờ nhật báo. Nhờ vậy, bạn đọc ngày càng nhiều, chỉ số phát hành ngày càng tăng.

 

Phóng viên Báo Gia Lai trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Đ.T
Phóng viên Báo Gia Lai trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Đ.T

Song song với hoạt động chuyên môn, Báo Gia Lai kêu gọi sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm góp tiền, hàng hóa, tham gia xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo, giúp người nghèo, ủng hộ các nạn nhân chiến tranh, người bị bệnh phong, trẻ mồ côi, người già cô đơn, phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hàng năm, Báo Gia Lai phối hợp với các sở, ngành tổ chức Giải Việt dã Báo Gia Lai mở rộng. Báo Gia Lai cũng đã góp phần cùng xã A Dơk (huyện Đak Đoa) giữ vững an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo chủ trương của Tỉnh ủy; kết nghĩa với Đồn Biên phòng 727 nhằm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tỉnh giao...

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Gia Lai đã hình thành 4 thế hệ làm báo: Thế hệ làm báo thời kháng chiến chống Pháp, thế hệ làm báo thời kháng chiến chống Mỹ, thế hệ làm báo trong xây dựng hòa bình và thế hệ làm báo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dù ở thế hệ nào thì những người làm báo tại Báo Gia Lai vẫn như mạch ngầm tuôn chảy về khát vọng làm báo và không những yêu ngành, yêu nghề mà yêu cả nơi mình đã từng sống, công tác. Đó là cội nguồn yêu thương và sự đam mê nghề nghiệp được truyền lửa tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phát huy truyền thống 70 năm, thời gian tới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy, Báo Gia Lai sẽ có những phương hướng phát triển đột phá để phục vụ tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng của bạn đọc.

 Bùi Tấn Sĩ
Phó Tổng Biên tập

Có thể bạn quan tâm