Nhớ một thời làm Báo Gia Lai-Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 1975, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Các cơ quan của tỉnh Kon Tum cũ cũng lần lượt chuyển từ Kon Tum về sáp nhập với Gia Lai làm việc tại Pleiku.

Ngày 7-11-1975, chúng tôi gồm 5 anh chị em (Trần Liễm, Nguyễn Văn Chiến, Phạm Thao, Nguyễn Thông, Phan Thị Lắm) từ Phòng Tuyên truyền Báo chí thuộc Ty Thông tin-Văn hóa Kon Tum được chuyển xuống Pleiku nhập với Ty Thông tin-Văn hóa Gia Lai để tiếp tục sự nghiệp của tờ báo trước đây. Lúc này, những anh chị em làm báo ở Gia Lai như Thanh Văn, Ngô Sĩ đã chuyển sang công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Anh Nguyễn Tánh chuyển sang Phòng Thông tin-Cổ động của Ty. Lực lượng cũ làm báo ở Gia Lai gần như không còn ai. Mãi đến tháng 9-1975 mới có chị Phạm Thị Minh Hương chuyển từ Báo Hà Tĩnh vào, đang trong thời kỳ tìm hiểu tình hình. Vì vậy, tờ báo ở Gia Lai thời kỳ này gần như không hoạt động.

 

Đại hội chi hội Nhà báo tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ I. Ảnh: P.V
Đại hội chi hội Nhà báo tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ I. Ảnh: P.V

Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngay sau khi chuyển từ Kon Tum xuống, chúng tôi được Ty Thông tin-Văn hóa tổ chức thành Phòng Báo chí với nhiệm vụ làm tin bài phát trên Đài Truyền thanh của tỉnh (trước đó Đài chỉ làm nhiệm vụ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, không có chương trình địa phương) nhằm tuyên truyền những chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng, đặc biệt là cổ vũ “Chiến dịch 100 ngày khai hoang 10 ngàn héc ta” do tỉnh phát động. Cùng với việc đảm bảo tin-bài phát trên Đài Truyền thanh hàng ngày, Phòng còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất để tổ chức xuất bản tờ báo của tỉnh.

Phòng có 6 anh chị em, hầu hết là học sinh phổ thông mới tuyển vào từ sau ngày giải phóng, chưa từng tiếp xúc với nghề báo. Cả Phòng Báo chí cũng không có phương tiện kỹ thuật gì của một cơ quan báo chí để hành nghề, ngoài cây bút, cuốn sổ và lòng nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ. Nhưng tất cả anh chị em đều hăng hái bắt tay vào một công việc mới mẻ với lòng say mê hăng hái của tuổi trẻ.

Tôi được giao nhiệm vụ Trưởng phòng phụ trách tờ báo. Với chút kinh nghiệm ít ỏi của hơn 10 năm làm phóng viên Báo Hải Phòng, tôi vừa phải trực tiếp đi cơ sở viết tin bài cho chương trình phát thanh hàng ngày; vừa tự tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn anh chị em cách khai thác tư liệu, cách viết tin bài và hướng dẫn anh chị em làm quen với những công việc hàng ngày của tờ báo. Do lúc đó cả Phòng đều ăn ở tập thể, ban ngày nhiều anh chị em phải lặn lội ở cơ sở nắm bắt tình hình, tối về lại chụm đầu cùng nhau bàn bạc, trao đổi về cách viết, cách “rút tít” cho một cái tin, đặt tên cho một bài viết. Chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu thì cùng nhau trao đổi, thảo luận đến khi nào mọi người cùng ưng ý, thống nhất mới coi là hoàn thành một bài báo.

Với việc tự học, tự làm, với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm, chỉ sau một tháng chuẩn bị, chúng tôi đã hoàn thành bài vở và những điều kiện cần thiết để cho ra đời số báo đầu tiên (số 01) của thời kỳ mới với tên “Gia Lai-Kon Tum” vào ngày 10-12-1975.

Từ đây, Báo Gia Lai-Kon Tum chính thức bước vào thời kỳ mới thay thế cho các tên “Sáng”, “Vững Tiến”, “Thống Nhất”, “Giải Phóng” đã ra đời từ năm 1947 đến giữa năm 1975. Cũng từ đây, tờ báo của Đảng bộ tỉnh mới chính thức xuất bản theo định kỳ từ 10 ngày một kỳ, lên hàng tuần, rồi một tuần 2 kỳ, 3 kỳ và trưởng thành 1 tuần 5 kỳ như hiện nay.

Trong gần 16 năm mang tên “Gia Lai-Kon Tum” (12/1975 - 10/1991), tờ báo đã không ngừng mở rộng và phát triển. Từ chỗ chỉ là hoạt động của một phòng thuộc Ty Thông tin-Văn hóa, rồi thành một tiểu ban của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, đến giữa năm 1977, Báo trở thành cơ quan độc lập hoàn chỉnh trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với đầy đủ các chức danh Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn và các phòng chức năng cần thiết hoạt động theo phong cách chuyên nghiệp. Tờ báo trở thành tiếng nói chính thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cuối năm 1991, Báo đang ổn định thì một sự kiện lịch sử lớn lại đến làm đảo lộn mọi hoạt động của tờ báo. Đó là việc Quốc hội quyết định tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trước tình hình ấy, cơ quan Báo cũng phải tách thành 2 tờ báo để phục vụ nhiệm vụ chính trị của mỗi tỉnh. Từ đội ngũ cán bộ, phóng viên đến cơ sở vật chất đều phải chia ra cho tỉnh bạn và tên báo Gia Lai-Kon Tum cũng chính thức kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau 16 năm kiên trì dẻo dai phấn đấu không ngừng nghỉ.

Sau khi hoàn thành việc chia tách tỉnh, lực lượng cán bộ, phóng viên còn lại rất mỏng. Nhiều phóng viên có tay nghề khá đều được ưu tiên chuyển cho tỉnh bạn. Từ đây, anh chị em lại khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị lại từ đầu để cho ra đời số báo đầu tiên của tỉnh mới: Gia Lai và khuôn khổ mới (8 trang khổ 30x42 cm) để tiếp tục sự nghiệp của Báo Gia Lai-Kon Tum. Cũng từ đây, Báo có nhiều bước trưởng thành và phát triển mới. Đặc biệt từ khi chuyển từ in typô sang offset thì chất lượng tờ báo lại càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

70 năm, một chặng đường dài. Nhân Ngày truyền thống vẻ vang, nhìn lại 70 năm ra đời và phát triển của tờ báo Đảng tỉnh, đặc biệt là 42 năm hoạt động trong điều kiện đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất với hơn 7.000 số báo được phát hành đến tận cơ sở, trong đó có nhiều số báo, bài báo hay, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Cũng có những số, những bài còn có những vấn đề phải tiếp tục nâng lên về chất lượng, nhưng phải tự hào rằng với Báo Gia Lai luôn là tờ báo xứng đáng đứng ở vị trí hàng đầu các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trần Liễm
Nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-Kon Tum, nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm