Những người sáng lập Báo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai đã tròn 70 năm thành lập (16/3/1947- 16/3/2017). Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi mới có những cứ liệu lịch sử tin cậy để có thể khẳng định Báo Gia Lai (tiền thân là tờ báo Sáng, thành lập ngày 16-3-1947) là do 2 ông Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên (1945-1948) và Phan Bá-Tỉnh ủy viên (đến tháng 7-1948 thay Phan Thêm làm Bí thư Tỉnh ủy) Tỉnh ủy Gia Lai đồng sáng lập.

Tìm về quá khứ…

Trước hết, về sự ra đời của Báo Gia Lai (Báo Sáng), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai có ghi: “Để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, Tỉnh ủy cho phát hành tờ Thông tin Gia Lai, tiếp theo là tờ báo Sáng-cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy, nhằm phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, các chủ trương của Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Hành chính tỉnh, động viên đảng viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sản xuất và chiến đấu” (trang 168, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2009).

 
 Đồng chí Phan Bá (thứ 3 từ phải sang) thăm lại Gia Lai năm 1997. Ảnh: Đức Thanh
Đồng chí Phan Bá (thứ 3 từ phải sang) thăm lại Gia Lai năm 1997. Ảnh: Đức Thanh

Trong đợt điền dã năm 2013, tôi và đồng nghiệp đã đến nhà ông Phan Thêm tại khu chung cư Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Ông bà đều đã mất, người cháu nội Phan Như Dương thờ tự ông bà đã cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu quí giá. Chúng tôi đã có trong tay các bản thảo cuốn Hồi ký của ông Phan Thêm-Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Tây Sơn (Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày nay) ghi chép về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ năm 1936 đến khi nghỉ hưu.

Bản thảo Hồi ký đánh bằng máy chữ khoảng năm 1998 nói về sự ra đời của báo Sáng cụ thể hơn bản vi tính in năm 2000. Trong bản thảo năm 1998, ông nói về tình hình cuối năm 1946, đầu năm 1947: “Tháng 6-1946, giặc Pháp chiếm lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Quân ta chốt giữ, chặn địch ở đèo An Khê, làm cho địch không tiến được nữa. Thiếu tướng Nguyễn Sơn (Tư lệnh Mặt trận Trung bộ-N.V) và đồng chí Phạm Kiệt chỉ huy có chủ trương lần lượt cho quân đội lui về hậu phương để chỉnh quân. Cơ quan của Tỉnh ủy Tây Sơn rút về đóng ở Vĩnh Thạnh (nay là huyện Vĩnh Thạnh), thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, nêu khẩu hiệu: “bám sát địch” không cho chúng kịp trở tay, “bám sát dân” mau chóng trở lại vùng địch (chiếm), tạo địa bàn hoạt động, xây dựng chiến khu xóm Ké ở Thượng Bình là nơi đóng của cơ quan của huyện An Khê, đồng thời cũng là nơi chỉ đạo phía trước của tỉnh”. Trong phần “Nhớ anh Võ Đông Giang”, ông Phan Thêm có viết: “Tỉnh ủy lúc này chỉ còn 3 đồng chí: tôi Phan Thêm, đồng chí Nguyễn Xuân và Phạm Thuần, bổ sung thêm 2 đồng chí nữa là Võ Đông Giang-tức Phan Bá và vợ tôi: Trần Thị Nguyên (được Xứ ủy Trung bộ điều lên tăng cường cho Gia Lai-N.V). Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tôi bàn với đồng chí Phan Bá ra tờ báo Sáng là tờ báo của Đảng, do đồng chí Phan Bá làm Chủ bút, tức là Tổng Biên tập, tôi Bí thư kiêm Chủ nhiệm tờ báo. Năm 1947, tờ báo Sáng ra đời…”.

Và nhân chứng

Trong chuyến đi điền dã năm 2013 và 2014, chúng tôi đã tìm gặp những người từng tham gia làm số báo đầu tiên ấy. Họ là nhân chứng sống, biết ngọn ngành và cũng là người tham gia in số báo Sáng đầu tiên tháng 3-1947. Đó là ông Nguyễn Thái Thưởng (trú tại Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế)-nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Tây Sơn năm 1947, trực tiếp làm bản in thạch và ông Nguyễn Hồng Lạc (Phù Lạc)-nguyên Văn thư, là thợ in báo trú tại Tây Phú, Tây Sơn, Bình Định. Tiếc rằng sau đó không lâu, ông Nguyễn Hồng Lạc đã qua đời.

Chúng tôi được các ông cung cấp nhiều tình tiết về những ngày làm số báo Sáng đầu tiên. Theo đó, hai ông vừa là cán bộ văn phòng, vừa là người trực tiếp viết chữ ngược lên bản thạch và in báo. Chúng tôi cũng đã gặp ông Đỗ Huyên-nguyên Trưởng ty Thông tin đầu tiên của Gia Lai năm 1946; ông Nguyễn Trung Tín-nguyên Bí thư xã Vĩnh Thạnh (Bình Định) năm 1947, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định; cụ Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Ủng hộ Kháng chiến Gia Lai năm 1946… Họ là những người cùng thời, cùng chiến đấu những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và từng được đọc báo Sáng. Họ khẳng định ông Phan Thêm và Phan Bá là người đồng sáng lập tờ báo Sáng vào tháng 3-1947.

Vĩ thanh

Khi đã ở cái tuổi “cổ lai hy”, ông Phan Thêm viết: “Đồng chí Võ Đông Giang nay đã mất rồi, tôi mất đi một bạn đồng hành và kề vai trong chiến đấu. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Đông Giang luôn sáng mãi như tờ (báo) Sáng trên bầu trời Tây Nguyên ngày nay” (Hồi ký Phan Thêm năm 1998). Vâng. Các thế hệ những người làm báo Sáng-Báo Gia Lai cũng luôn thành kính: Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Phan Thêm luôn sáng mãi và phát triển như Báo Sáng-Báo Gia Lai hôm nay.

 Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm