Nơi ấy, chúng tôi về…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở về với nguồn cội bao giờ cũng là những chuyến đi đong đầy xúc cảm. Và với những phóng viên trẻ như chúng tôi, điều ấy dường như càng nhân lên gấp bội khi được cùng nhau đến nơi đã “khai sinh” tờ báo mà mình đang ngày ngày gắn bó. Cảnh vật, con người và cả những dòng ký ức nhuốm màu thời gian khắc họa trên giấy mà chúng tôi từng đọc, phút giây ấy gần như hiện hữu thật rõ ràng.

 Các đoàn viên Báo Gia Lai trong chuyến về nguồn tháng 2-2017. Ảnh: Đ.T
Các đoàn viên Báo Gia Lai trong chuyến về nguồn tháng 2-2017. Ảnh: Đ.T

Chiếc xe khách 16 chỗ xuôi theo quốc lộ 19, vượt hơn trăm cây số đưa chúng tôi đến khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Riêng tôi, dù đã rất nhiều lần về vùng đất này, song chỉ mới gần đây thôi, thông qua các bậc “tiền bối”, tôi mới được biết rằng đây còn là quê hương, là nguồn cội của tờ báo mình đang công tác. Và có lẽ chính bởi tâm thế đặc biệt của chuyến đi mà hôm ấy trong tôi lại dấy lên nhiều cảm xúc đan xen khó tả.

42 năm kể từ ngày giang sơn thu về một mối, đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, vùng đất Tây Sơn nói chung và Thuận Nghĩa nói riêng đang thay da đổi thịt, nhưng vẫn không đánh mất đi sự yên bình vốn có. Đến với Thuận Nghĩa, chúng tôi bị hút mắt bởi những tuyến đường bê tông sạch sẽ; hai bên là những ngôi nhà xây nằm xen giữa vườn rau ngút ngàn, xanh ngắt. Hỏi ra mới biết thì ra nơi đây là một trong những vựa rau lớn của huyện Tây Sơn và nghề trồng rau đã tồn tại ở xứ này khá lâu đời. Hàng chục năm qua, cây rau đã và đang góp phần giúp người dân Thuận Nghĩa đẩy lùi đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đích đến của hành trình-điểm Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (nằm trên địa bàn khối Thuận Nghĩa)-dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ sớm, chính quyền địa phương, người dân quanh vùng và các em học sinh đã có mặt đông đủ để đón đoàn. Trong căn phòng nhỏ ấm cúng (vốn là lớp học), bàn ghế đã được sắp xếp ngay ngắn từ trước và chúng tôi chỉ cần trang trí thêm một chút là phần lễ có thể bắt đầu.

Thời gian dường như quay ngược khi chúng tôi cùng nhau ôn lại truyền thống 70 năm khó khăn, gian khổ song cũng đầy vẻ vang, tự hào của tờ báo Đảng địa phương, đặc biệt là hoàn cảnh ra đời và địa điểm xuất bản số báo “Sáng” đầu tiên trên đất Vĩnh Thạnh-Bình Khê-Bình Định (nay là khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tôi vẫn còn nhớ rõ trong đề tài “Lịch sử báo chí cách mạng Gia Lai (1945-2010)” do Báo Gia Lai chủ trì mà tôi từng được đọc qua có nêu rõ rằng: Tại Gia Lai, tháng 12-1945, Đảng bộ tỉnh được thành lập lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn gồm 24 đảng viên, trực tiếp lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng ở địa phương. Cũng từ đây, việc có một tờ báo cách mạng để phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, động  viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân ra sức chiến đấu, sản xuất nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi là yêu cầu cấp thiết, ngày 16-3-1947, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định cho ra đời tờ báo “Sáng”. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng lớn, bởi đây chính là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, tiền thân của Báo Gia Lai ngày nay. Báo “Sáng” khi ấy do đồng chí Phan Thêm làm Chủ nhiệm, đồng chí Phan Bá làm Chủ bút. Kể từ thời điểm đó đến nay, dù trải qua 7 thập kỷ với nhiều thăng trầm cùng các tên gọi khác nhau như: Sáng, Nỗ Lực, Vững Tiến, Thống Nhất, Quyết Thắng, Giải Phóng, Gia Lai-Kon Tum và bây giờ là Báo Gia Lai, song tờ báo đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình, góp phần quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp.

Nghe các chú, các anh nhắc nhớ về chặng đường vẻ vang của Báo Gia Lai trên chính mảnh đất mà nó được sinh ra, chúng tôi vô cùng tự hào. Ai cũng tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng nỗ lực hơn nữa trong việc trau dồi trí lực và bút lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới, đưa Báo Gia Lai ngày một tiến xa hơn nữa. Và tôi thấy rằng, chính những chuyến đi như thế này thật sự là điều vô cùng bổ ích và ý nghĩa cho thế hệ làm báo trẻ nếu muốn có được cảm nhận sâu sắc hơn về tờ báo mình đang gắn bó. Hy vọng cuộc hành trình sẽ được tiếp nối trong những năm sau nữa, bởi lẽ, như đồng chí Huỳnh Kiên-Phó Tổng Biên tập phụ trách, từng chia sẻ: “Từ nay, Báo Gia Lai đã có một nguồn cội để đi về”.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm