Tác nghiệp ở vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để mang đến cho độc giả những bài viết chân thực, đậm hơi thở cuộc sống, chuyện đi sâu đi sát cơ sở là điều không thể thiếu đối với người làm báo. Riêng tôi, những chuyến công tác về làng hay đến vùng xa bao giờ cũng đầy ắp sự háo hức và thú vị.
 

Một trong những niềm vui bình dị của phóng viên mỗi khi về tác nghiệp tại buôn làng.               Ảnh: M.T
Một trong những niềm vui bình dị của phóng viên mỗi khi về tác nghiệp tại buôn làng. Ảnh: M.T

Những P.V trẻ như chúng tôi luôn được cơ quan khuyến khích tác nghiệp ở cơ sở, khai thác những đề tài dân sinh chân thực, gần gũi hay đơn giản chỉ là góp tiếng nói của báo chí trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội nơi vùng khó. Đó là cơ hội tốt để chúng tôi rèn luyện, thử thách bản thân và trưởng thành hơn trong nghề.
 

Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại bến đò Phú Cần-Ia Rmok (huyện Krông Pa) vào tháng 9-2013.                                       Ảnh: M.T
Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại bến đò Phú Cần-Ia Rmok (huyện Krông Pa) vào tháng 9-2013. Ảnh: M.T

Gần 5 năm công tác tại Báo Gia Lai, tôi và các anh chị đồng nghiệp thường xuyên thong dong trên “con ngựa sắt”, vượt qua hàng chục đến hàng trăm cây số để tới với các buôn làng xa xôi. Địa hình cách trở, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn… là những điểm chung dễ nhận thấy ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Ấy là chưa kể đến mùa mưa, việc đi lại trên những cung đường lầy lội và trơn trượt chẳng phải là chuyện dễ dàng. Không sóng điện thoại, không mạng internet, thậm chí không có quán xá để sửa xe hoặc “nạp năng lượng” khi cần thiết. Tất cả những điều này, chúng tôi đều phải dự trù trước để chuẩn bị thật kỹ càng sao cho chuyến tác nghiệp của mình đạt hiệu quả cao nhất.
 

Đón nhận những món quà quê đầy ắp nghĩa tình.                        Ảnh: M.T
Đón nhận những món quà quê đầy ắp nghĩa tình. Ảnh: M.T

Tôi vẫn còn nhớ, những ngày cuối tháng 9-2013, để thực hiện loạt bài “Đò ngang sông: Hiểm họa và những bất cập”, tôi cùng P.V Trần Dung đã mất một tuần đi cơ sở để thu thập tư liệu, hình ảnh cho bài viết. Hai chúng tôi thay phiên nhau chạy xe máy mấy trăm cây số từ TP. Pleiku đi huyện Phú Thiện, xuôi xuống Krông Pa, sang Kông Chro rồi qua Kbang. Ngày thứ hai, dù hoàn thành công việc ở Krông Pa khi trời đã nhá nhem tối, song do thời gian gấp gáp, chúng tôi quyết định quay về Ayun Pa trong đêm để kịp chuẩn bị cho chuyến đi Kông Chro vào sáng hôm sau. Đoạn đường dài 40 km tối om, đèo Tô Na không một bóng người, trời lại mưa lất phất, chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Lúc ấy, cả hai chỉ còn biết tự trấn an nhau cho đến khi bánh xe chạm ngõ Văn phòng thường trú Báo Gia Lai tại thị xã Ayun Pa an toàn mới thở phào nhẹ nhõm. Cuộc hành trình dài liên huyện cộng với những cơn mưa bất chợt dọc đường khiến cả hai chúng tôi đều uể oải. Thêm vào đó, vì đề tài cũng khá nhạy cảm nên việc khai thác thông tin, ghi nhận hình ảnh gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng bằng lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, cuối cùng chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ.
 

Phóng viên Báo Gia Lai đi thực tế tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.  Ảnh: Đ.T
Phóng viên Báo Gia Lai đi thực tế tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Đ.T

Đó là một trong số nhiều kỷ niệm minh chứng rằng nghề báo vốn đã vất vả, việc tác nghiệp vùng sâu, vùng xa lại càng vất vả hơn, nhất là đối với nữ phóng viên. Sau này, khi về nhận nhiệm vụ ở Văn phòng thường trú Báo Gia Lai tại thị xã An Khê, chịu trách nhiệm thông tin, tuyên truyền cho khu vực phía Đông tỉnh, sự trải nghiệm trong những chuyến tác nghiệp nơi buôn làng vùng xa, vùng khó với tôi càng trở nên sâu sắc hơn; đồng thời sự nguy hiểm, khó khăn mà tôi gặp phải cũng nhiều hơn. Bởi lẽ, tôi thường xuyên phải “một mình một ngựa” đi cơ sở; là một P.V thường trú đòi hỏi tôi phải bám sát và nắm bắt tất cả các sự kiện, vấn đề nảy sinh ở địa bàn mà mình phụ trách, tác nghiệp bất kể mưa nắng hay đêm ngày. Tuy nhiên, đổi lại, những nơi tôi đến, tình người và sự yêu thương luôn dào dạt, đong đầy. Những bữa cơm dân dã, đầm ấm với người làng; những trái cóc, ổi… “của nhà làm được” mà bà con cứ dấm dúi vào tay tôi cười bảo “cầm ăn dọc đường cho vui miệng”; những dòng tin nhắn phản hồi, động viên của nhân vật khi bài viết được đăng tải và cả những nụ cười chào đón khi thấy tôi quay trở lại nơi đã từng công tác… Tất cả là hạnh phúc, là niềm vui mà nghề báo đã mang lại cho tôi. Và tác nghiệp ở vùng sâu, với tôi, cho dù có là hành trình gian nan đi chăng nữa thì lúc nào cũng đầy sự hồ hởi và ngọt ngào.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm