Báo Gia Lai góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên-người lao động trong cơ quan và coi đây là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

Trên cơ sở đó, Báo Gia Lai đã chú trọng tuyên truyền về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trước khi không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa dân gian phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, tổ chức tuyên truyền rất đậm và xuyên suốt về cồng chiêng, quảng bá văn hóa cồng chiêng cho khách du lịch trong và ngoài nước, gắn văn hóa với du lịch, góp phần quan trọng trong việc củng cố hồ sơ về cồng chiêng Tây Nguyên để trình UNESCO công nhận. Mỗi khi có các sự kiện văn hóa quan trọng của quốc gia và tỉnh, huyện diễn ra trên địa bàn tỉnh, Báo Gia Lai đều xuất bản các trang chuyên đề, bản tin nhanh, đặc san, báo ảnh đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin và phát hành tận tay độc giả tham dự các sự kiện này.

Độc giả đón đọc Báo Xuân. Ảnh: Trần Dung

Luôn xác định lấy buôn, làng làm tâm điểm, đi sâu vào các nghệ nhân, già làng để khơi dậy nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đang bị mai một; tôn vinh các gia đình gìn giữ được các bộ chiêng quý; các nghệ  nhân truyền bá cồng chiêng cho thế hệ trẻ; các nghệ nhân chỉnh chiêng; các nghệ nhân kể khan; các nghệ nhân tạc tượng nhà mồ; các nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống; các làng nghề thổ cẩm; các lễ hội cồng chiêng, bỏ mả, mừng lúa mới; đấu tranh với nạn chảy máu cồng chiêng, bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể.

Đối với loại hình văn hóa lịch sử như di tích lịch sử văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, quảng bá việc phục hồi lễ hội Tây Sơn vào mùng Bốn Tết cổ truyền của dân tộc hàng năm tại thị xã An Khê và kêu gọi việc tôn tạo, bảo tồn hơn chục di tích cấp quốc gia ở vùng này. Về văn hóa lịch sử cách mạng, Báo Gia Lai đã viết sâu về vùng căn cứ cách mạng như: Di tích lịch sử văn hóa Nhà lao Pleiku, di tích lịch sử văn hóa làng kháng chiến Stơr, chiến thắng Đak Pơ, chiến thắng Plei Me, Căn cứ địa cách mạng ở Krong (huyện Kbang), Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum…

Thường xuyên đăng tải những tin, bài đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đẹp và cái xấu, phê phán các cá nhân buôn bán tàng trữ băng đĩa lậu, băng đĩa khiêu dâm, băng đĩa tuyên truyền phản động, mê tín dị đoan… làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc như bọn phản động lừa phỉnh đồng bào dân tộc thiểu số theo “Tin lành Đê-ga”, bỏ rượu cần, bỏ cồng chiêng, cũng như xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư tiêu cực, lạc hậu của những thói quen, phong tục, hủ tục đang cản trở sự phát triển như: Thầy mo, ma lai, tục chôn chung, tảo hôn, mẹ chết chôn con theo mẹ... Tập trung tuyên truyền thường xuyên phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua kết quả bình xét danh hiệu: “Gia đình văn hóa”, “Công sở văn hóa”; biểu dương hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống, thư  viện, phòng đọc, điểm bưu điện-văn hóa xã, khu vui chơi giải trí. Giới thiệu về các thắng cảnh trong tỉnh nhằm quảng bá cho hoạt động du lịch.

Để có được kết quả đáng khích lệ trên phải kể đến công lao của những người cầm bút ở Báo Gia Lai. Nhiều cộng tác viên cũng đem hết nhiệt huyết của mình để nghiên cứu và viết hàng trăm bài báo về văn hóa trên đất Gia Lai như: Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà báo Nguyễn Ngọc Tấn…

Văn Thư

Có thể bạn quan tâm