Thời sự - Bình luận

Bao giờ dẹp bỏ nạn "phe vé"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai cũng biết, bóng đá Việt Nam đã tiến lên chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001. Hơn 20 năm đã trôi qua, V.League đã có những thay đổi đáng kể về nhiều mặt, nhưng có một thứ gần như vẫn giữ nguyên, đó là cách bán vé. 
Đã khá lâu rồi, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới lại chơi thăng hoa đến thế tại V.League. Trong 9 vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2021, họ thắng đến 7 trận và chỉ 1 lần nhận thất bại. Đặc biệt, suốt từ vòng 5 đến vòng 9, đội bóng Phố núi đều giành chiến thắng với phong độ cực kỳ thuyết phục trước các đối thủ lần lượt là đương kim vô địch Viettel, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng và Nam Định.
Được mệnh danh là “đội bóng quốc dân”, lại đang chơi như “lên đồng”, HAGL trở thành thỏi nam châm có sức hút cực lớn với người hâm mộ. Ở tất cả các sân bóng mà họ đặt chân đến, người ta đều bắt gặp hình ảnh những khán đài chật kín khán giả.
Còn tại sân Pleiku thì khỏi nói, bởi người hâm mộ Phố núi đã chờ đợi quá lâu để được thấy một HAGL hùng mạnh ngày nào trở lại. Và khi đội bóng đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ, đang bay cao trên hành trình chinh phục chức vô địch đầu tiên sau 17 năm đằng đẵng khát danh hiệu, lẽ dĩ nhiên không cổ động viên nào không muốn có mặt trên khán đài xem họ thi đấu.
Sức nóng càng tăng lên khi ở vòng 10, HAGL được chơi trên sân nhà gặp Hà Nội FC-đội bóng thành công nhất lịch sử V.League và đang sở hữu dàn ngôi sao hàng đầu Việt Nam như: Quang Hải, Văn Quyết, Duy Mạnh, Geovane. Người ta gọi cuộc đối đầu này là “trận cầu ngoại hạng” của bóng đá Việt Nam. Và trong điều kiện sân Pleiku có sức chứa chỉ chừng 10 ngàn khán giả, ai cũng hiểu, cơn sốt vé chắc chắn sẽ xảy ra.
Sự thực đúng là như vậy. 8 giờ sáng 18-4, Ban tổ chức sân Pleiku mới mở cửa bán vé trận đấu này. Nhưng từ rất sớm, ở cả 2 con đường bao quanh sân vận động, người hâm mộ đã đứng xếp hàng dài chờ đợi. Không màng mỏi mệt, mặc cảnh chen lấn, xô đẩy, ai cũng cố gắng bám trụ với hy vọng có được một tấm vé để buổi chiều vào sân xem những ngôi sao của 2 đội tranh tài.
Trong hoàn cảnh các sân bóng trên hầu khắp thế giới đang chết lặng vì không được đón khán giả vào cổ vũ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì hình ảnh những khán đài chật kín người hâm mộ ở V.League 2021 có thể xem như một dấu son đáng tự hào không chỉ của riêng môn bóng đá mà rộng hơn là với cả đất nước ta.
Và cảnh người hâm mộ xếp hàng dài chờ đợi mua vé như ở trận HAGL-Hà Nội FC rõ ràng là một tín hiệu cực vui của làng bóng đá Việt Nam. Nó khẳng định, tình yêu mà người hâm mộ dành cho bóng đá nước nhà chưa bao giờ vơi cạn, nhất là khi họ được chứng kiến một thứ bóng đá sạch, đẹp, giàu tính cống hiến như mong muốn.    
Từ sáng sớm, đoạn đường Nguyễn Du trước quầy bán vé sân Pleiku đã đông đặc người đến đợi mua vé.
Từ sáng sớm, đoạn đường Nguyễn Du trước quầy bán vé sân Pleiku đã đông đặc người đến đợi mua vé. Ảnh: Đức Thụy
Nhìn từ góc độ của những người làm bóng đá là như vậy, nhưng đứng ở phía khán giả thì cơn sốt vé vừa xảy ra ở Pleiku chứa đựng rất nhiều sự ngậm ngùi, chua chát. Tấm vé không biết nói. Nhưng nếu biết nói, nó sẽ khiến những người làm bóng đá ở Việt Nam phải suy nghĩ lại về cách thức phục vụ khán giả của mình lâu nay. Đó là những người mà các câu lạc bộ luôn gọi là “cầu thủ thứ 12” của mình, là một phần nguồn sống của đội bóng bên cạnh nguồn thu từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, ngân sách địa phương, doanh nghiệp.
Ai cũng biết, bóng đá Việt Nam đã tiến lên chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001. Hơn 20 năm đã trôi qua, V.League đã có những thay đổi đáng kể về nhiều mặt, nhưng có một thứ gần như vẫn giữ nguyên, đó là cách bán vé. Ngoại trừ một số câu lạc bộ phát hành vé cả mùa với số lượng hạn chế, đa số vé vẫn chỉ được ban tổ chức sân bán sát ngày hoặc cùng ngày trận đấu diễn ra theo cách “tiền trao, cháo múc”.
Với những sân bóng có sức chứa lớn hoặc đội bóng đang thi đấu bết bát, khán giả không mặn mà, việc mua vé kiểu này không khiến người hâm mộ mệt mỏi. Nhưng với những sân nhỏ, trận đấu có sức hút lớn, kiểu bán vé như cửa hàng mậu dịch thời bao cấp này ngay lập tức bộc lộ sự bất cập, tạo ra cảnh chen lấn, hỗn loạn.
Không phải ai cũng đủ sức lực và sự kiên nhẫn để chờ mua cho mình 1 tấm vé trong hoàn cảnh đó. Đây là cơ hội cho dân “phe vé” kiếm chác. Như ở trận HAGL-Hà Nội FC vừa qua, trong khi nhiều khán giả đợi cả buổi không mua nổi 1 tấm vé thì nhiều “dân phe” lại cầm cả xấp vé trên tay. Và để được thỏa mãn đam mê của mình, nhiều khán giả đã phải chấp nhận bỏ ra số tiền gấp hàng chục lần giá trị thực tế của tấm vé cho những người cơ hội này.
Sự bất cập, nghiệp dư trong cách bán vé xem bóng đá ở nước ta không phải bây giờ mới được chỉ ra. Có điều, dường như không có ban tổ chức sân nào muốn thay đổi; kể cả bây giờ, khi chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời mà mọi thứ dịch vụ đều có thể thực hiện trực tuyến trên mạng internet, từ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua bán hàng hóa xuyên quốc gia. Thế nên, muốn có vé xem bóng đá, đa số người hâm mộ vẫn không còn cách nào khác là phải chen lấn xếp hàng “tiền trao, cháo múc” qua những “lỗ tò vò” của quầy bán vé.
Tin vui cho người hâm mộ là mới đây, Chủ tịch Câu lạc bộ HAGL Đoàn Nguyên Đức đã có động thái yêu cầu các bộ phận liên quan thay đổi cách bán vé để vé đến được tay khán giả, hạn chế tình trạng vé “chợ đen”. Nếu được triển khai tốt, đây sẽ là bước đi có tính tiên phong của đội bóng Phố núi trong một môi trường bóng đá còn khá nghiệp dư dù đã hơn 20 năm khoác áo chuyên nghiệp. Đó cũng là cách để HAGL thể hiện sự trân trọng với người hâm mộ, những “cầu thủ thứ 12” của họ.
Ở chiều ngược lại, khi bỏ tiền ra mua vé, một cách đóng góp nguồn thu cho đội bóng yêu mến, người hâm mộ cũng cảm thấy mình được đối xử như một “Thượng đế” chứ không phải chịu cảnh mất tiền mà vẫn khốn khổ như hiện nay.
LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm