(GLO)- Đó là câu hỏi được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tại những buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp. Ấy thế mà đến nay, huyện Chư Prông vẫn chưa có bến xe khách để phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: H.C |
Trước năm 2000, huyện Chư Prông có bến xe khách khá rộng rãi tọa lạc tại trung tâm thị trấn (ngã ba Nguyễn Chí Thanh-đường Lê Hồng Phong). Thế nhưng đến năm 2000, bến xe này đã bị chia ra để cấp đất cho dân xây dựng nhà.
Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông: “Huyện đã quy hoạch bến xe khách tại khu vực gần làng Bò (thị trấn Chư Prông); đã nhiều lần tổ chức kêu gọi đầu tư; đã có cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư bến xe khách theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư vẫn đang còn nghiên cứu thêm”. |
Do không còn bến xe nên các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải thành lập các điểm bán vé, đón trả hành khách, hành lý ở tại các khu dân cư, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự trị an ở địa phương. Thường ngày, nhất là những ngày lễ Tết, rất nhiều người và các loại xe ô tô thường đi lại, đậu đỗ, đón trả hành khách và bốc xếp hàng hóa thoải mái trên các tuyến đường. Nhiều khi xe khách đậu đỗ, đón trả khách, nhận trả hành lý và hàng hóa ngay giữa đường; làm che khuất tầm nhìn, gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. “Có nhiều đêm đang ngủ ngon lành, hàng trăm hộ dân ở 2 bên đường Hùng Vương phải thức giấc vì những tiếng còi xe ô tô inh ỏi, tiếng tranh giành hành khách náo loạn cả khu phố”-ông Nguyễn Văn Tư (ở tổ dân phố 3, thị trấn Chư Prông) phản ánh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho hay: Nhiều năm nay, lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải và lãnh đạo huyện Chư Prông đã làm việc nhiều lần về vấn đề này. Tuy nhiên, do là huyện biên giới còn nhiều khó khăn về kinh tế, còn nhiều bất cập về cơ chế thu hút đầu tư nên chưa thể xây dựng lại bến xe khách Chư Prông phục vụ nhân dân.
Hoàng Cư