Bao giờ làng nghề thủ công truyền thống khởi sắc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhanh chóng phát triển, các sản phẩm thủ công và nghề thủ công đã góp phần nâng cao thu nhập cho thợ thủ công và nghệ nhân tại địa phương.

Đặc biệt đối với những tỉnh có hoạt động du lịch phát triển, làng nghề truyền thống đã trở thành điểm tham quan yêu thích của du khách như làng nghề Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ (Hà Nội), gò đồng Đại Bái (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá, nón ngựa (Bình Định), mắm nhỉ (Nha Trang)…

 

 

Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm đặc trưng, thể hiện truyền thống văn hóa, gu thẩm mỹ, đời sống sinh hoạt của người dân bản địa. Tỉnh Gia Lai cũng không ngoài “guồng máy” đó với nghề truyền thống đan lát và dệt thổ cẩm, đây là hai nghề đã được các ban, ngành liên quan đến nghề thủ công xây dựng với cơ sở vật chất khá khang trang ngay trong các làng còn nhiều nghệ nhân biết đan lát và dệt thổ cẩm nhằm mong muốn bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống này như làng nghề H’Way huyện Đak Pơ, làng Đê Ktu huyện Mang Yang…

Nhưng cho đến nay hầu như các cơ sở làng nghề truyền thống Gia Lai vẫn chưa phát huy hiệu quả, cơ sở vật chất tuy có đó nhưng nghệ nhân thì vẫn làm một cách tự phát tại gia đình và cũng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp, đáp ứng cho gia đình mình hoặc cùng lắm là đáp ứng cho xóm làng của mình thôi nên mẫu mã không nhiều, không sáng tạo trong khi nguồn nguyên liệu cung cấp cho dệt, cho đan lát ngày càng khan hiếm bởi mây, tre ngày càng lùi xa núi đồi để thay vào đó là những rừng cây công nghiệp cao su, cà phê, bông se sợi khan hiếm do ít người trồng.

Nguyên liệu nhuộm truyền thống lấy từ rừng ngày càng cạn kiệt nên nghệ nhân dệt thổ cẩm trong các làng hiện nay hầu như dùng nguyên liệu sợi từ chỉ màu Trung Quốc, Thái Lan, các vật dụng từ tre, mây, le dần được thay bằng chất liệu nhôm, nhựa, tôn.

Các ngành liên quan đến thủ công của tỉnh chỉ mới thiên về xây dựng cơ sở vật chất còn chưa có kỹ thuật viên hướng dẫn cho nghệ nhân thủ công truyền thống tư duy mới đối với kinh tế thị trường để mình biến những sản phẩm của mình thành hàng hóa. Chưa quy hoạch tập trung và cho vay hoặc cấp vốn cho vùng trồng nguyên liệu tre, mây, bông sợi, chưa định hướng cho họ tư duy sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đẹp phong phú, mang dấu ấn riêng để kịp đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường để các mặt hàng đan lát, thổ cẩm lưu niệm của tỉnh không giống các mặt hàng đan lát, dệt thổ cẩm của tỉnh khác trong khu vực và các địa phương khác trong nước.

Vẫn tồn tại sự trùng lắp về mẫu mã và màu sắc vì thợ làm theo kiểu “học hỏi lẫn nhau”, thấy tỉnh bạn làm thế nào thì ta làm như thế. Chính sự trùng lắp này gây sự phản cảm đối với khách hàng trong nước và đặc biệt là du khách quốc tế, họ coi đó là những sản phẩm rẻ tiền, không quý hiếm, không đặc trưng nên không thể thu hút được sức mua. Đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm chỉ vì bản thân của các nghệ nhân thì họ không thể tự phát triển được. Họ chỉ phát triển khi có bàn tay của các thương gia tiêu thụ sản phẩm, của những chính sách phù hợp của những nhà hoạch định chiến lược…

Thiết nghĩ, để các làng nghề thủ công truyền thống về đan lát, dệt thổ cẩm của tỉnh ta thực sự phát huy được hiệu quả góp phần vào việc bảo tồn và phát huy được sắc thái văn hóa riêng của người dân bản địa và thực sự tạo cho những sản phẩm đó trở thành hàng hóa đem lại lợi nhuận cao và thu nhập ổn định cho các nghệ nhân trong làng cần phải có sự phối hợp giữa các ngành trong việc phát triển làng nghề, xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho nghề thủ công phát triển mang lại công ăn việc làm ổn định cho đồng bào địa phương.

Phạm Minh Khôi

Có thể bạn quan tâm