Thời sự - Bình luận

Bao giờ mới hết xóa dự án treo?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chính quyền TP.HCM vừa ra văn bản khẩn yêu cầu các quận, huyện công bố rõ ràng 180 dự án có diện tích hơn 470ha đất đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2018 đến nay chưa triển khai thực hiện.

Người dân có đất trong khu vực các dự án trên sẽ lại được xây nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... và các quyền cơ bản khác.

Theo quy định, sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa triển khai thì dự án phải được xóa và thông báo công khai cho người dân.

Đối chiếu với quy định trên thì lần rà soát, xóa dự án "treo" và công khai kết quả này tuy còn chậm, nhưng là lần đầu tiên việc xem xét, rà soát dự án "treo" trên địa bàn TP.HCM thực hiện tương đối sát với Luật đất đai.

Tuy nhiên, ngoài con số 180 dự án trên, còn rất nhiều dự án khác chậm tiến độ hoặc dở dang kéo dài hàng chục năm khiến người dân khốn khổ nhưng mong hoài vẫn chưa thấy được xướng tên trong các lần công khai xóa dự án "treo".

Người dân có quyền sử dụng đất bất lực trước việc vi phạm quy định của nhà đầu tư cũng như các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dự án. Trước đây, một đại biểu HĐND nói rằng nhắm mắt cũng có thể kể ngay cả chục dự án kéo dài từ 10 đến 20 năm trên địa bàn TP.HCM.

Chỉ riêng trên địa bàn huyện Bình Chánh đã có hơn 50 dự án kéo dài hơn 10 năm đến nay còn dang dở, chưa triển khai, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân.

Những tên dự án quen thuộc mà năm nào người dân cũng nhắc đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri như đô thị Sing - Việt, khu B, C, D thuộc khu Nam TP.HCM... Các địa phương khác thì Safari Củ Chi, khu đô thị đại học Tây Bắc, dự án Bình Quới - Thanh Đa...

Trong công cuộc phát triển đô thị, Nhà nước không thể không làm quy hoạch và giao đất cho nhà đầu tư làm dự án.

Luật cũng dự liệu tình huống nhà đầu tư chỉ đăng ký dự án để "xí chỗ" mà không thực hiện nên đã quy định dự án chậm triển khai trong một thời gian nhất định sẽ bị thu hồi hoặc hết hiệu lực đầu tư nhằm trả lại quyền lợi cho người dân đang sử dụng đất và cũng dành sân chơi cho nhà đầu tư khác.

Trên 500 dự án "treo" đã được xóa và 180 dự án lần này mà có thể xem là thành tích trong xóa dự án "treo" hay chưa? Và còn những dự án "treo" dai dẳng nữa đến bao giờ mới được giải quyết để người dân bớt khổ. Đến khi nào Nhà nước mới không còn phải đi "xóa dự án treo"?

Nên chăng phải hiểu quy định trên theo cách cứ đến thời hạn theo luật định là đương nhiên dự án hết hiệu lực triển khai, người dân đương nhiên được khôi phục những quyền về sử dụng đất, không đợi đến khi chính quyền tuyên bố xóa "treo".

Khi đó, pháp luật mới được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, các nhà đầu tư chấp nhận quy luật chung trong cuộc chơi, không phải xin - cho việc gia hạn hay ngoại lệ.

Theo DƯƠNG NGỌC HÀ (TTO)

Có thể bạn quan tâm