Bạo hành gia đình: Không nên cam chịu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cam chịu, nhẫn nhịn và xấu hổ, nhiều phụ nữ đã im lặng khi bị chồng bạo hành. Chính vì không tố cáo hành vi trên nên hậu quả ngày càng nghiêm trọng và mức độ bạo hành ngày càng tăng. Thậm chí nhiều người đành quyết định ly hôn để được giải thoát nhưng vẫn tiếp tục bị chồng cũ bạo hành…

Kể lại trường hợp của mình, chị Đặng Thị Ng. (SN 1970, trú tại xã Diên Phú, TP. Pleiku) không khỏi chạnh lòng. Chị và anh Q.V.H. kết hôn vào năm 1991 và có với nhau 5 mặt con (4 gái, 1 trai). Nhiều lần chị Ng. bị chồng đánh đập, trong đó 2 lần phải nhập viện điều trị. Mỗi lần bị chồng bạo hành, chị Ng. cùng các con chỉ biết chắp tay quỳ lạy xin chồng đừng đánh nhưng càng van xin thì anh H. lại càng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mạnh hơn.

 

Tranh minh họa

"Hơn 20 năm chung sống, hạnh phúc hôn nhân chỉ được vài năm đầu và những năm còn lại là những ngày đau đớn và tủi hổ nhưng vì thương các con chị Ng. đều nhín nhịn cho qua. Không thể chịu đựng hơn được nữa, tháng 5-2014, tôi quyết định nộp đơn xin ly hôn và tháng 6-2014 thì có quyết định ly hôn chính thức. Các con tôi khi biết việc cũng đều đồng tình vì chúng thấy mẹ cũng đã quá khổ ải bao nhiêu năm nay rồi. Những tưởng sau ly hôn, mấy mẹ con sẽ thoát cảnh bị hành hạ, đánh đập nhưng sự việc vẫn tiếp diễn khi chồng cũ thường xuyên về nhà chửi bới, đập phá đồ đạc và đánh người... Tội nhất là bé út mới học tiểu học bị ám ảnh tâm lý vì thường xuyên chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ”- chị Ng. buồn bã cho biết.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị G. (phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Vợ chồng tôi cưới nhau từ năm 2009, đến nay đã được 7 năm và có với nhau 1 đứa con. Tuy đã có con nhưng chồng tôi không có chí hướng làm ăn, phụ giúp gia đình mà thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn. Nhậu say về là lại đánh đập vợ con. Chưa hết, anh còn đập phá đồ đạc trong nhà. Nhiều lần khuyên can nhưng chồng tôi vẫn chứng nào tật đó, không chịu sửa đổi. Tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi không chấp nhận và mỗi lần như vậy tôi lại bị chồng bạo hành. Hiện tôi muốn ly hôn đơn phương có được giải quyết không?”.

Bạo lực trong gia đình không còn là chuyện hiếm thấy ngày nay. Đối tượng bị bạo hành thường rơi vào phụ nữ và trẻ em, những người yếu thế. Nhiều phụ nữ khi bị bạo hành vì nhiều lý do mà âm thầm chịu đựng; có người sợ gia đình đổ vỡ; cam chịu để níu giữ hạnh phúc gia đình hoặc sợ nói ra thì “xấu chàng hổ ai”, chả khác nào vạch áo cho người xem lưng… Nhưng càng làm vậy chính họ lại tiếp tục bị bạo hành nhiều hơn. Vậy làm thế nào để thoát cảnh bị bạo hành và cần phải làm gì khi bị bạo hành là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Ngày 21-11-2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng-chống bạo lực gia đình đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như hỗ trợ những nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, bạo lực gia đình được hiểu là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Theo đó, nạn nhân bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Đối với những hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng-chống bạo lực gia đình thì theo từng hành vi tương ứng quy định trong Mục 4 của Nghị định này sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác; tội hành hạ người khác; tội bức tử (Điều 104, 110, 100 Bộ luật Hình sự)… Hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.

“Trường hợp của chị Nguyễn Thị G. thường xuyên bị chồng bạo hành, đánh đập dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng là lý do chính đáng để người vợ làm thủ tục ly hôn đơn phương gửi Toà án nhân dân TP. Pleiku để được giải quyết. Trường hợp này nếu hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc người chồng có hành vi bạo lực gia đình làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”-Luật sư Trần Mạnh Thắng-Văn phòng Luật sư Tâm Đức (18 Vạn Kiếp, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm