(GLO)- Chương trình bảo vệ luận văn thạc sĩ khoa học ngành Văn học Việt Nam do Đại học Khoa học (Đại học Huế) phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tổ chức vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên chương trình bảo vệ luận văn thạc sĩ được Đại học Huế tổ chức theo hình thức này để đảm bảo an toàn cho học viên và hội đồng phản biện. Trong bối cảnh dịch bệnh, những sự kiện, hoạt động diễn ra theo hình thức tương tự không có gì mới, mọi người đều phải chấp nhận và nhanh chóng thích ứng.
Gia Lai có 19 học viên của khóa 2 và 3 (năm 2019 và 2020) chuyên ngành Văn học Việt Nam bảo vệ đợt này. Lẽ ra, chương trình bảo vệ luận văn thạc sĩ đã tổ chức trực tiếp từ tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Song do dịch bệnh nên sau nhiều lần tạm hoãn, đến nay, chương trình mới được tổ chức trực tuyến. Để chương trình diễn ra thành công, các học viên tại Gia Lai chuẩn bị phòng máy, trang trí trang trọng. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng-học viên khóa 3-chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng sau quen dần. Buổi bảo vệ diễn ra rất thành công, sự tương tác, phản biện giữa hội đồng chuyên môn và học viên rất thuận lợi. Thầy cô góp ý cho luận văn rất chi tiết, tỉ mỉ. Điều tiếc nuối nhất là trong một chương trình đặc biệt như vậy, chúng tôi không được gặp trực tiếp thầy cô, nhất là người thầy trực tiếp hướng dẫn để nói lời cảm ơn. Nhưng qua màn hình máy tính, chúng tôi tin thầy cô thông cảm và hiểu được tấm lòng của học viên, có sự động viên từ xa khiến chúng tôi rất xúc động”.
Chị Nguyễn Thị Diễm-học viên khóa 2 chuyên ngành Văn học Việt Nam tại buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Trần Huệ |
Khi mọi hoạt động trong đời sống xã hội đều phải thích ứng an toàn trong bối cảnh bình thường mới, không riêng chương trình bảo vệ luận văn thạc sĩ mà nhiều sự kiện, hoạt động không còn diễn ra theo cách truyền thống, phải thay bằng một phương thức mới. Nhiều người e ngại hình thức làm việc trực tuyến sẽ “giết chết” cảm xúc. Nhưng tâm thế thích ứng chính là chìa khóa để khẳng định hiệu quả công việc lẫn quá trình học tập, rèn luyện, công tác. Chị Trần Hoàng Nguyên-học viên khóa 2-chia sẻ: “Để chương trình diễn ra nghiêm túc, học viên tại Gia Lai đã có sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất, kết nối đường truyền, mỗi người tự ý thức tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tuân thủ nguyên tắc 5K. Ngoài thầy cô trong Hội đồng Trường Đại học Huế, một số thành viên như Tiến sĩ Võ Minh Hải (Trường Đại học Quy Nhơn), Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đại học Phú Yên)… tham gia phản biện online nhưng vẫn có những trao đổi hết sức cặn kẽ, gợi mở thêm những vấn đề học thuật trong đề tài khoa học mà học viên thực hiện. Những gợi mở này giúp chúng tôi hứng thú tiếp tục mở rộng vấn đề đang nghiên cứu ngay khi đã bảo vệ thành công đề tài”.
Bảo vệ đề tài khoa học theo hình thức trực tuyến là khởi đầu mới mẻ song cần thiết và vẫn đầy cảm xúc không chỉ với người nghiên cứu thực hiện. Sau màn hình máy tính có sự hồi hộp, lo lắng, song vẫn có giao tiếp, tương tác sôi nổi, hiệu quả. Điều này mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu cho nhiều người, giúp xóa tan những e dè về khoảng cách địa lý, điều kiện cá nhân để theo đuổi chương trình đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu hiệu quả.
MINH CHÂU