Các huyện phía Tây Gia Lai đang bước vào cao điểm của mùa mưa kéo theo nguồn nước sinh hoạt và môi trường bị ô nhiễm. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các loại dịch bệnh như: đau mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa, lỵ thương hàn và các bệnh hô hấp khác…
Dọn vệ sinh đường làng. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Bên cạnh đó, Trung tâm chuẩn bị các loại vật tư hóa chất như: Phèn chua, Cloramin B, Clorua vôi và một số cơ số thuốc… để cung cấp cho người dân ở những khu vực bị ngập lụt sử dụng khi nguồn nước sinh hoạt và môi trường bị ô nhiễm. Đồng thời, chuẩn bị tài liệu, sổ tay hướng dẫn cách xử lý nước cho người dân đọc hiểu và ứng dụng khi có tình huống xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Thông- Trưởng khoa Vệ sinh- Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, nhất là những vùng bị ngập lụt hạn chế không để các loại dịch bệnh bùng phát, hàng năm Trung tâm đều tổ chức những lớp tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã, cách xử lý nguồn nước, rác thải, phân, xác gia súc, gia cầm chết trong khi ngập lụt…
Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, các loại thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh. Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời điểm này rất quan trọng, cần thực hiện một số biện pháp tuyên truyền hướng dẫn người dân kịp thời như: Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống… đồng thời quản lý gia súc, gia cầm một cách chặt chẽ. Hiện tại, toàn bộ các loại hóa chất đã được Trung tâm cấp phát về các địa phương để sẵn sàng ứng phó khi có lũ lụt xảy ra”.
Chủ động phòng-chống các loại dịch bệnh trên người sau lũ lụt là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Mỗi người dân vùng ngập lụt cần có ý thức để chung tay bảo vệ làm sạch môi trường sau lũ, hạn chế sự xuất hiện các loại dịch bệnh trên người chính là chúng ta đã bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng xung quanh.
Nguyễn Hồng