Thời sự - Bình luận

Bảo vệ người dám đột phá, sáng tạo cũng là trọng dụng nhân tài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 530 năm trước, Tiến sĩ triều Lê Thân Nhân Trung đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng mở ra nhiều điểm mới trong việc bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Ảnh Trần Vương
Đại hội lần thứ XIII của Đảng mở ra nhiều điểm mới trong việc bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Ảnh Trần Vương
Bài ký nổi tiếng ấy có đoạn: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí".
“Chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài” là yếu tố căn bản để phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã phát triển ý của người xưa này bằng câu nói nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Khái niệm “trồng người” không chỉ gói gọn trong lĩnh vực giáo dục mà rộng hơn, còn có cả ý nghĩa “nuôi dưỡng, chăm sóc và đào tạo nhân tài” để người tài có môi trường, điều kiện và cơ chế phát huy khả năng, tố chất, phục sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Ngày nay, công tác bồi dưỡng, chăm sóc người tài vẫn tiếp tục được Đảng quan tâm. Nhưng để người tài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, dám sáng tạo thì chăm lo chưa đủ mà còn phải có cơ chế để bảo vệ những người có tư duy đổi mới, sáng tạo.
Bởi lẽ, khoảng cách đổi mới, sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai rất mong manh, thậm chí “vô cùng mong manh”. Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá.
Nghĩa là ngay trong công tác đánh giá cán bộ, đánh giá sự đổi mới sáng tạo cũng cần phải đổi mới trên quan điểm khuyến khích và bảo vệ những ý tưởng mới, những sáng tạo mới trên cơ sở những đột phá, sáng tạo ấy phải có lợi cho Đảng, có ích cho đất nước, cho nhân dân.
Một trong những điểm nhấn đã bàn thảo nhiều tại Đại hội XIII vừa qua được nhân dân tâm đắc đó chính là Đảng đã nâng thêm một tầm cao mới trong việc khuyến khích người tài sáng tạo, đổi mới.
Trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu: “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong bài phỏng vấn trước thềm năm mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến những điểm nổi bật trong 12 định hướng phát triển đất nước. Trong đó nhấn mạnh vào “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” và phát huy nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người.
Sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân. Dự thảo cũng nêu ra những điểm rất mới: ngoài chính sách đãi ngộ còn phải còn phải đánh giá công tâm, minh bạch và ngăn ngừa những hành vi lợi dụng chức vụ trù dập, ngăn cản người tài đổi mới, sáng tạo.
Thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như những chính sách bồi dưỡng, trọng dụng người tài sắp đi vào thực tiễn, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, bằng cấp; tuyển chọn nhân sự tất cả các cấp theo cơ chế thi tuyển, bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch, xây dựng cơ chế mạnh hơn nữa bảo vệ người tài có tư duy đột phá, sáng tạo…chắc chắn người tài có thêm cơ hội phát triển, cống hiến và nguyên khí của quốc gia liên tục được bồi đắp, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm