Bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Gia Lai hiện có 715.691,2 ha rừng, trong đó có 282.429,9 ha rừng dễ cháy, gồm 247.173,2 ha rừng tự nhiên và 35.256,7 ha rừng trồng. Diện tích trọng điểm cháy (năm 2005) là 302.936,27 ha với 114 trọng điểm cháy (các chủ rừng quản lý 120.301,57 ha với 77 trọng điểm cháy; xã quản lý 82.634 ha với 37 trọng điểm cháy).
Những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô nên diện tích cháy giảm nhiều so với trước (từ 2003-2010 giảm 749,4 ha so với từ 1995-2002, tương ứng 60%). Đặc biệt, trong 2 năm (2008, 2009), toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta lại xảy ra 4 vụ cháy rừng.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: T.T
Ông Nguyễn Nhĩ- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Mặc dù các cấp, các ngành, các hạt kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã có nhiều cố gắng triển khai, các giải pháp PCCCR, song công tác này thời gian qua cũng còn bộc lộ một số bất cập. Kết quả PCCCR chưa thực sự bền vững, còn phụ thuộc vào thời tiết của từng năm. Một số đơn vị vì sợ bị xử lý và quy trách nhiệm nên báo cáo về diện tích cháy rừng chưa đầy đủ và chính xác. Một số đơn vị xác định diện tích trọng điểm cháy không chính xác, do đó kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR các huyện, thị xã, đơn vị chủ rừng chưa hợp lý.
Việc bổ sung kinh phí PCCCR cho diện tích rừng trồng hàng năm hết thời gian xây dựng cơ bản không được thực hiện (vì khi lập phương án các đơn vị không đưa vào). Kinh phí PCCCR của tỉnh chủ yếu hỗ trợ cho diện tích các trọng điểm cháy và phương án PCCCR, không được điều chỉnh hàng năm. Kinh phí đầu tư cho công tác chữa cháy không đáng kể, vì vậy khi xảy ra cháy các huyện, thị xã, Hạt Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng rất lúng túng và không có kinh phí chi cho việc chữa cháy. Việc xác định, lựa chọn các đối tượng rừng để áp dụng giải pháp làm giảm vật liệu cháy (đốt trước có điều khiển) chưa hợp lý.
 
Thực tế cho thấy một số diện tích rừng tự nhiên (rừng khộp) thực hiện đốt trước có điều khiển là không cần thiết, trong khi nhiều diện tích rừng trồng đủ điều kiện để đốt trước thì không có kinh phí để thực hiện. Đốt trước không đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây rừng, thậm chí mất rừng. Hệ thống đường băng trắng cản lửa của một số đơn vị chưa thực sự phát huy được tác dụng nếu xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức về hình thức, nội dung, đối tượng... tuyên truyền, giáo dục, vận động phổ biến pháp luật, nên việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng, PCCCR của cộng đồng dân cư ở một số nơi chưa cao. Công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy và hướng dẫn người dân đốt rẫy đúng quy định thực hiện chưa tốt. Một số đơn vị mua sắm dụng cụ phục vụ công tác chữa cháy rừng chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, một số cơ chế, chính sách trong công tác PCCCR cũng còn nhiều bất cập như: Chi trả cho người tham gia chữa cháy chưa thỏa đáng (70.000 đồng/người/ngày); thanh toán trực PCCCR ngoài giờ chưa hợp lý (17 giờ/người/tháng); kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR còn rất hạn chế, kinh phí hỗ trợ cho xã để thực hiện công tác PCCCR hầu như không có; Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành quy phạm PCCCR cụ thể cho các loài cây trồng (trừ cây thông).
Để kịp thời tháo gỡ và khắc phục những bất cập trên, từng bước hoàn thiện các giải pháp PCCCR có tính khả thi cao, góp phần hạn chế thiệt hại do cháy rừng trên địa bàn tỉnh ta, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức Hội thảo về giải pháp PCCCR nhằm trưng cầu ý kiến của các ngành chức năng, nhất là các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác PCCCR ở cơ sở. Các đại biểu đã tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến bổ ích có tính thực tiễn và kinh nghiệm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công tác PCCCR. Đa số đại biểu cho rằng các giải pháp PCCCR giai đoạn 2006-2010 là phù hợp cần tiếp tục thực hiện và nâng cao. Bổ sung các quy trình phát đốt trước đối với các loại cây: Keo, bạch đàn, sao, bời lời và các loại cây trồng rừng khác (hiện chỉ có cây thông là có quy trình phát đốt trước); đồng thời điều chỉnh thời gian đốt trước trong ngày cho phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.
Mặt khác, cần tăng thêm kinh phí hỗ trợ cho xã  theo diện tích rừng trên địa bàn quản lý. Các đại biểu cũng nhấn mạnh công tác PCCCR là của toàn dân nên phải mở rộng đối tượng tham gia PCCCR. Quan trọng nhất là phải làm cho mọi người hiểu thấu đáo việc phòng cháy là chính và tự giác thực hiện; khi xảy ra cháy thì cần cứu chữa kịp thời và áp dụng tổng hợp các giải pháp PCCCR. Chỉ có như vậy thì công tác PCCCR mới thực sự bền vững.
Thùy Trang

Có thể bạn quan tâm