Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Cẩn là một trong 3 thi phẩm kiệt xuất trong chùm thơ 12 bài, hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được bảo tồn theo luật Di sản. Gần đây, những người yêu thơ phát hiện bài thơ nổi tiếng này bị vùi sâu dưới đất khi xây dựng Đền bài thơ cổ núi Bài Thơ.
Đền bài thơ cổ dưới chân núi Bài Thơ - nơi vẫn còn lưu lại 12 bài thơ khắc trên vách núi. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Bài thơ của Nguyễn Cẩn được ông cho khắc lên vách núi Bài Thơ ngày mùng 3 tháng Chạp năm Canh Tuất - năm 1910.
Trước đây, bài thơ nằm hoàn toàn trên vách núi, thấp hơn so với các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương. Sau vài năm việc tôn tạo, xây dựng Khu di tích núi Bài Thơ hoàn thành, mới đây, người dân và những người yêu thơ phát hiện bài thơ này đã bị vùi sâu dưới đất do khu vực có bài thơ này được đổ đất tôn cao nền – khoảng 2m.
Khu vực này được đổ đất nâng nền lên ít nhất 2m, đã vùi lấp bài thơ khắc trên vách núi của Nguyễn Cẩn. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Phải mất rất nhiều thời gian tìm dọc vách núi đá, tôi mới tìm thấy vị trí của bài thơ. Sau khi dùng dao phạt bớt các cây lá mềm, cao khoảng 40 – 50 phân, và dùng bay gạt hết lớp đất một đoạn khá dài sát với vách đá, mới nhìn thấy đỉnh bia khắc bài thơ.
Thật không ngờ, một bài thơ nổi tiếng lại bị vùi lấp sâu dưới đất. Cũng xin nói thêm, hiện trên vách núi Bài Thơ có 12 bài thơ, nhưng chỉ có 3 bài (của vua Lê Thánh Tông (năm 1468), chúa An Đô vương Trịnh Cương (1729) và Nguyễn Cẩn (1910) là có giá trị văn hóa và lịch sử, với tính chuyên nghiệp cao. 9 bài còn lại, đều là thơ của các ông bà quan, đi vãng cảnh, mà trình độ thơ chỉ ngang câu lạc bộ thơ cấp xã như bây giờ.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh và bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới lòng đất. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Nguyễn Cẩn có tên trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam do nhà thư mục học lớn là Trần Văn Giáp biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, ấn hành năm 1971. Ông người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, có tên hiệu là Hương Khuê, tác giả nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỉ XX. Ông làm quan Án sát triều Nguyễn, được vua Nguyễn bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Trước đây bài thơ nằm trên vách núi, nhưng hiện đã nằm dưới lòng đất. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Bài thơ của Nguyễn Cẩn có 8 câu, 4 câu đầu toàn vần trắc, 4 câu sau toàn vần bằng, cấu trúc chặt chẽ, hơi thơ liền một mạch, bút pháp phóng khoáng, ngôn ngữ điêu luyện, rất hiện đại, đầy khí thế. Đặc biệt trong bài thơ, tác giả cũng bày tỏ sự phẫn nộ với chúa An Đô vương Trịnh Cương khi vị chúa này cho khắc bài thơ họa bài thơ của vua Lê Thánh Tông của mình trên vách núi nhưng ở vị trí cao hơn bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Với ông, đây là điều không chấp nhận được.
Năm 1986, khi đi tìm bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúng tôi cũng luôn nghĩ bài thơ của ông sẽ phải ở trên bài thơ của chúa Trịnh Cương. Vì thế, căn cứ vào vị trí bài thơ của chúa Trịnh Cương, chúng tôi chỉ rà soát vách núi ở phía trên bài thơ này. Tuy nhiên, cuối cùng bài thơ của vua Lê Thánh Tông được tìm thấy ở phía dưới, trong một bức tường và trần xi măng đổ lên trên để làm chuồng lợn của một gia đình sơ tán ra đây, sau khi thị xã Hòn Gai bị ném bom cuối năm 1964.
Bài thơ của chúa Trịnh Cương được khắc lên vách núi năm 1729. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Ngay sau khi phát hiện ra bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới 2m đất, tôi đã có gọi điện của đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh và nhận được câu trả lời, sẽ cho khảo sát lại ngay và thực hiện sớm nhất việc đào đất đi, phục hồi nguyên trạng bài thơ như nó đã có từ 111 năm nay.
Xin giới thiệu bài thơ được Nguyễn Cẩn đề trên vách đá, ngày mùng 3 tháng Chạp năm Canh Tuất (1910).
Bài thơ chữ Hán nguyên văn như sau:
Thánh Tôn hoàng đế đề thi thạch,
Đông minh chi sơn cao bách xích.
Thiên phong, hải đảo nhật dạ kích,
Ngũ bách niên dư, tự do xích
Họa xưng ngự bút ế hà nhân?
Trịnh Vương vọng ý đồng bất dân.
Ngã lai bạt kiếm, nộ thả sân,
Hu ta hậu Lê chi quân thần!
Canh Tuất, lạp nguyệt, sơ tam nhật, Nguyễn Cẩn
Dịch thơ:
Hoàng đế Thánh Tông đề thơ lên đá
Núi ở bể Đông cao hàng trăm thước
Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ vào
Thế mà hơn 500 năm rồi, chữ còn chưa mất
Họa lại, dám xưng là ngự bút; hừ, ai đấy nhỉ?
Ý xấu của Trịnh Vương là muốn cùng trường tồn
Ta đến, rút kiếm phẫn nộ và căm tức
Than thay cho vua tôi nhà hậu Lê !
Nguyễn Cẩn đề, ngày mùng 3 tháng Chạp năm Canh Tuất, 1910.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
(Dẫn nguồn NLĐO)