Triển lãm Phượng với chủ đề nude vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã cho thấy tranh nude đang được nhìn nhận một cách "cởi mở" hơn.
Triển lãm tranh nude “danh chính ngôn thuận” ra mắt công chúng
Triển lãm Phượng diễn ra từ ngày 12 đến 18-7 với sự góp mặt của 37 tác phẩm tranh và tượng nude của 14 nghệ sĩ Hải Phòng sống và làm việc tại Hà Nội. Tuỳ theo cách cảm của mỗi nghệ sĩ mà vẻ đẹp người phụ nữ hiện lên khác nhau: bình lặng, mơ hồ, giằng xé…. với những chất liệu, thể loại khác nhau: sơn mài, sơn dầu, tranh, tượng...
Không gian triển lãm Phượng được trưng bày trang nhã, tinh tế. |
Việc các nghệ sĩ vẽ tranh về chủ đề nude từ lâu không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là đề tài "nhạy cảm". Chính vì vậy việc cấp phép tổ chức một cuộc triển lãm nude như triển lãm Phượng lần này đã cho thấy sự cởi mở hơn của các cơ quan quản lý văn hoá đối với những tác phẩm nghệ thuật nude. Triển lãm cũng thu hút sự quan tâm của khán giả, ở nhiều lứa tuổi khác nhau: từ những khán giả cao tuổi cho đến những em nhỏ đều hứng thú với các tác phẩm được trưng bày.
Theo hoạ sĩ Nguyễn Đình Hợp, từ xưa đến nay nude vẫn là đề tài nhạy cảm trong số đông, trừ những người hoạt động về nghệ thuật và những nhà sưu tầm tranh chuyên nghiệp. Đa số vẫn e dè, họ có thể thích một tác phẩm nude nhưng để mua treo trong nhà vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa. Do đó, để thực hiện được cuộc triển lãm Phượng, khó nhất là xin giấy cấp phép. Nhưng sau nhiều lần giải trình, cuối cùng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đồng ý cấp phép tổ chức triển lãm này.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài. |
Với việc được cấp phép, có thể coi 37 tác phẩm nude của 14 hoạ sĩ trong triển lãm Phượng đã “danh chính ngôn thuận” ra mắt công chúng yêu nghệ thuật. "Sự công nhận của các cơ quan quản lý và sự đón nhận của công chúng là niềm vui đối với giới hoạ sĩ. Nó như một tiền đề đề các hoạ sĩ sau này mạnh dạn hơn trong việc sáng tác cũng như trưng bày tác phẩm nghệ thuật về chủ đề nude", hoạ sĩ Nguyễn Đình Hợp chia sẻ.
Đâu là ranh giới của nghệ thuật đích thực?
Mặc dù tranh khỏa thân và tranh khiêu dâm là hai thể loại khác nhau, nhưng ranh giới giữa chúng vô cùng mong manh. Hoạ sĩ Bùi Trọng Dư cũng thừa nhận rất khó để tìm ra một ranh giới cụ thể giữa hai loại tranh này: "Có những bức tranh rất sexy, quyến rũ nhưng người ta vẫn thấy nó không dung tục. Chỉ có xem trực tiếp và cảm thì mới thấy được giá trị của nó".
Theo các họa sĩ, phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với các nghệ sĩ. Nếu như ta có thể lắng nghe được tiếng lòng của phụ nữ trong văn chương, thì đối với hội hoạ, ta có thể "cảm" được thế giới tâm hồn của họ. Việc thưởng thức tranh nude nghệ thuật phải đặt trong đúng không gian, và quan trọng, là phải có sự giáo dục nghệ thuật cần thiết, thậm chí cả sự hướng dẫn khi thưởng thức chúng, nhất là đối với các trẻ em.
Hoạ sĩ Đỗ Dũng dẫn cháu gái tham quan phòng triển lãm. |
Hoạ sĩ Nguyễn Đình Hợp cho biết, dù hiện nay người Việt chơi tranh nhiều hơn và họ cũng am hiểu về tranh hơn trước đây nhưng nude vẫn là đề tài được coi là nhạy cảm và không được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Đình Hợp, nếu thực sự hiểu về tác phẩm nude thì nó có thể sẽ mang lại nhiều điều. Đặc biệt, nó có thể là công cụ giáo dục rất tốt cho giới trẻ để họ hiểu rõ, hiểu đúng về giới tính.
Hoạ sĩ Đỗ Dũng chia sẻ, chúng ta đừng xem thường những đứa trẻ, hãy dạy chúng cách yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật chân chính ngay từ còn nhỏ. Ông cũng chia sẻ: "Những đứa trẻ ngày nay chúng rất hoang mang về tình yêu vì không ai nói cho chúng cả. Chúng yêu mà hoàn toàn không biết đâu là một tình yêu đẹp, đâu là thứ nhục dục tầm thường".
Tranh sơn dầu "Cô gái trong mưa" của hoạ sĩ Nguyễn Đình Hợp. |
Theo hoạ sĩ Đỗ Đình Hợp: "Việc tổ chức triển lãm Phượng không chỉ hướng tới thị trường hội hoạ nói chung, thị trường tranh nude nói riêng mà hơn hết, chúng tôi muốn giới thiệu một thứ văn hoá thực sự đẹp tới gần hơn với công chúng". Ngày nay, đã có nhiều nhà sưu tập chơi tranh nude, họ đã từng bước gỡ bỏ rào cản văn hoá "ấu trĩ" để tìm đến các tác phẩm nude. Dù còn chưa nhiều nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ được “sức sống” của bộ môn nghệ thuật này.
Theo VOV