Bát Tràng làng trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở Việt Nam ta từ xưa, qua lao động sáng tạo của người dân mà hình thành nên nhiều làng nghề, phố nghề đã thành danh; trải qua thời gian dâu bể, đâu đó chúng ta đã bắt gặp những làng nghề nổi tiếng giờ chỉ còn trong dĩ vãng. Nhưng có một trong những nơi mà tôi đến vào dịp cuối năm Giáp Ngọ này thì không phải thế, đó là Bát Tràng, Đông Anh, Hà Nội.
 

Dưới cây cọ nhỏ của họ cứ như từ một bản sao ra... Ảnh: Bích Hà

Anh tài xế xứ Hà thành rất thích thú khi tôi nói ý định của mình về chuyến “mục sở thị” Bát Tràng; đã không còn là giờ cao điểm của “Hà Nội không vội được đâu” nên chúng tôi chỉ cần nửa giờ đồng hồ với vài chục cây số từ trung tâm thủ đô đã có mặt nơi cần đến. Lòng vòng mấy lượt trong “phố của làng” mà theo tôi chuẩn hơn phải là “làng trong phố”, chúng tôi được những chủ nhân của làng hướng dẫn đến một doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, nói là tổng hợp bởi vì nơi đây vừa làm chức năng sản xuất, kinh doanh sản phẩm của làng, vừa lại có nhiệm vụ… du lịch và bảo tồn. Tòa nhà 4 tầng, tọa lạc bên con đường chính (thực ra nó đã là con phố) của làng, mỗi tầng có một chức năng riêng. Khách đến mua sắm, khách tham quan, ta có Tây có, đang trong lúc cao điểm, nhân viên bận túi bụi, thuyết phục mãi mới được người quản lý phân cho Trần Thị Vân-nữ hướng dẫn viên xinh tươi dẫn dắt…

Được Vân chỉ dẫn, bao điều như mở ra cho khách sáng mắt sáng lòng, từ bất ngờ nọ đến sự thán phục kia. Tầng trên cùng của tòa nhà được dành cho xưởng sản xuất “mi-ni”. Người thợ đầu tiên tôi gặp là Phạm Anh Đức, theo Vân, anh là một trong những “nghệ nhân trẻ của làng”, vừa thoăn thoắt với những sản phẩm bằng... đất đang trong dây chuyền hoàn chỉnh chuẩn bị đưa vào lò nung, vừa vui vẻ, trong đôi câu anh còn rất tiếu lâm nữa là đằng khác. Theo Anh Đức thì anh là đời thứ… nhiều rồi của dòng họ, tổ tông truyền nghề lại. Chỉ mới ngoài 30 mà anh như người đã là của quá khứ với nghề mình đang yêu. Anh bảo làng anh có từ đã cả 7, 8 trăm năm rồi. Hiện giờ còn 19/23 dòng họ của làng duy trì, truyền nghề gốm cho con cháu, coi nghề như là thứ đã ăn sâu máu thịt của người làng. Gốc xưa, khi Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt, nhu cầu xây dựng rất lớn, sự hình thành làng nghề gạch là khách quan lắm, cho nên mới có câu thơ “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”(*), còn sau này thì “gốm Bát Tràng” mới đúng.

 

“Bàn tay vàng” Phạm Anh Đức. Ảnh: Bích Hà

Còn hai bạn Vân Anh và Trần Lập, đang mỗi người mỗi việc, tỉ mẩn đến không ngờ với lứa tuổi đôi mươi, đó là vẽ, là phối màu, là chắp ghép các chi tiết tý hon vào những sản phẩm đang vào giai đoạn cuối; điều ngạc nhiên, thán phục là không hề có mẫu, thế mà tôi ngắm nhìn từng sản phẩm, các chi tiết cây cỏ, chim muôn, màu sắc... dưới cây cọ nhỏ của họ cứ như từ một bản sao ra, ôi thật là những bàn tay vàng của tuổi trẻ nơi đây mà tận thấy không thể so sánh cùng đâu khi tôi từng chứng kiến với những cuộc thi, những trận tranh tài… bàn tay vàng là thế!

Hun hút theo những con đường siêu hẹp tựa như Phạm Anh Đức nói vui khi chúng tôi chào tạm biệt để lại mục sở thị một vài nơi khác; là nói làng, nhưng những con đường chằng chịt, tường gạch cổ xưa, chỉ có thể dành cho… một người đi là vừa và “coi chừng lạc lối đấy”-anh Đức dặn. Một tình nguyện viên đảm nhiệm công việc dẫn đường vào sâu trong làng chạy xe máy trước đầu ô tô chúng tôi, nhưng chừng vài ba cây số thì ô tô không thể di chuyển, những con đường hẹp hiện ra. Anh tình nguyện viên hướng dẫn chúng tôi thật chu đáo và thấy vẫn còn chưa yên tâm, anh gút lại “Nếu đi mãi không tìm được đường về thì hỏi thăm người làng chỉ cho đường ra chợ, rồi gọi điện chúng tôi đến đón”.

Cô sinh viên năm 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lưu Phương Huệ, người tôi hy vọng sẽ là nhân vật “sở tại”, là “thuyết minh viên” cho mình giờ tỏ ra lo lắng cái sự lạc đường, bảo rằng: “Cháu đã một lần đến đây nhưng giờ thì chịu, không thể nhớ được gì”. Con đường chính của làng khi chúng tôi quay lại đã là thời điểm gần trưa, giờ trở nên chật chội. Dưới cái nắng nhè nhẹ và cái lạnh se se đầu Xuân vừa đủ cho những cô gái ngoại thành đôi mươi không cần phấn son mà má vẫn hồng ưng ửng làm cho những chàng khách lạ không khỏi quay nhìn khi những nàng đối diện đi qua...

Con đường càng vào đến khu vực trung tâm xã càng chật chội thêm bởi nào là xe trung tải, tiểu tải, rồi kẻ khuân vát, người gồng gánh, lại có những tốp có lẽ là du khách thập phương dạo bộ với tay xách nách mang… “Là những sản phẩm của làng chuẩn bị “xuất ngoại” đấy”-một nhân viên cửa hàng gốm sứ bảo với tôi như thế. Ấy là cô gái trẻ có đôi môi hồng hồng, đôi má phơn phớt đỏ với cái tên dễ nhớ-Phương Anh, tiếp tôi, người khách đầu tiên trong ngày. Thấy gì hỏi nấy, là tật của nhà báo, huyên thuyên mãi hỏi, mãi ghi thế mà cô vẫn tươi cười niềm nở trả lời tất tật những gì có thể, cái cô chưa một lần được nghe thì hỏi anh bạn cùng làm để có câu trả lời cho khách.
 

Phố của làng. Ảnh: Bích Hà

Chợt nhớ, là người “mở hàng” mà chẳng mua, lại cứ hỏi, sau lời xin lỗi, Phương Anh tỏ ra thông cảm “Khách xa muốn biết nhiều về làng, sao lại không vui”. Có lẽ được coi là khách đặc biệt nên mọi người ở cửa hàng bên cạnh cũng đã góp chuyện. “Giờ thì làng Bát Tràng mình cũng đã “hướng ngoại” rồi. Các cửa hàng, các điểm giao dịch, kể cả ngoài chợ bà con làm cả việc bán lẻ, lẫn bán buôn, khách hàng trong Nam cũng nhiều…”. Bố vợ của anh Nguyễn Thùy Dương trông coi cửa hàng cho con rể nhà bên có cái tên giống một cán bộ của cơ quan tôi-Nguyễn Tiến Dũng, đang hình như mải mê với câu chuyện bên vỉa hè, không để ý khi khách có mặt trong cửa hàng của mình. Tôi bấm chuông, rồi gọi mãi chẳng thấy ai, đâm ra lo ngại khi mình là người lạ, biết đâu…

Nhưng không phải thế, ở đây người ta tin nhau, chẳng ai nghĩ sẽ có kẻ cắp trộm, là một người hàng xóm nói vậy. Rồi chủ nhân cửa hàng cũng xuất hiện, thật vui với những câu chuyện của làng, của dòng họ; chị Nguyễn Thị Hòa-mẹ vợ của chủ cửa hàng đâu tít tận trên mấy tầng lầu giờ mới xuống, nhanh tay chỉ vào một đồ vật nhỏ “mở hàng đi chú ơi”; thì là “mở” vậy. Vừa gói món hàng nhỏ, chị vừa bảo “cẩn thận chứ đi xa sẽ bị vỡ”, chị còn cho cả số điện thoại nhà mình, “khi cần chú cứ gọi nhé”. Khi hỏi về… thu nhập của người dân trong làng, trong xã, ngẫm một lúc chị chủ chỉ qua dãy nhà đồ sộ đối diện, bảo: “Chú sang Ủy ban kia kìa, cái này tôi không biết”. Là câu hỏi thừa, nhìn ra “bộ mặt” của làng-phố nơi đây, chẳng có du khách nào lại đặt câu hỏi này.

Thoắt cái đã gần quá Ngọ, chúng tôi không thể không tạm biệt làng. Chợt nghĩ, một làng nghề hình thành đã ngần ấy thế kỷ, giờ không những không mai một trong cơ chế thị trường nghiệt ngã với sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, rồi của sự giao thoa, hội nhập mà còn ngày càng phát triển lại chỉ với chủ yếu sản phẩm làm ra bằng thủ công, một vài chi tiết của sản phẩm được “cơ giới” nhưng những bàn tay vàng vẫn là cốt yếu, quyết định. Hơn thế nữa, người làng đã biết làm cho sản phẩm của mình không những không “mất gốc” mà còn tăng “hàm lượng trí tuệ” vào đó để cho phù hợp thị trường, thị hiếu người tiêu dùng khắp chốn.
 
Không những là nơi làm ra hàng trăm loại sản phẩm gốm sứ phong phú về chủng loại, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, Bát Tràng nhiều năm lại đây cũng đã trở thành điểm tham quan, du lịch. Thuận tiện cho du khách cả về đường bộ, có xe buýt, taxi, lại nằm bên tả ngạn sông Hồng thuyền bè tấp nập. Gần trung tâm thủ đô, nhưng vương vất của một miền quê xưa cổ, con người vẫn một chất quê thương mến, hiếu khách. Bát Tràng là dân ngụ cư, vì thế nơi đây có nhiều sinh hoạt văn hóa lễ hội dân gian đan xen, nhất là mùa giáp Tết. Là điểm đến cho nam thanh nữ tú mọi miền, cho du khách Đông Tây, Âu Á, là nơi để cho những ai muốn tìm về một thời quá khứ ông cha đã làm nên nghiệp để tiếng thơm cho con cháu đời sau…

Bích Hà

------------
(*) Thơ Tố Hữu 

Có thể bạn quan tâm