Báo xuân

"Báu vật"… từ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiên nhiên đã quá ưu đãi cho mảnh đất Kbang khi ban tặng những cánh rừng ở đây nhiều báu vật mà chẳng nơi nào có được. Rừng Kbang không chỉ có nhiều gỗ quý hiếm mà còn nổi tiếng với nhiều thảo dược tốt cho sức khỏe.

“Thần dược” tự nhiên từ nấm linh chi

Dẫu không phải là người con của rừng Kbang và cũng không mấy am hiểu về các loại thảo dược nhưng cầm trên tay một nấm linh chi đỏ được lấy từ rừng Kbang, trong tôi lại ngân lên niềm tự hào không sao giải thích được. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một cây nấm “khủng” nặng tới 15 kg. Có lẽ không phải là ngoa ngôn khi tôi cho rằng, chỉ có rừng Kbang mới sản sinh được những cây nấm như thế.

 

Ông Chín Mỹ giới thiệu tai nấm linh chi đỏ. Ảnh: Đinh Yến

Tuy nhiên, việc tìm kiếm những cây nấm này cũng không hề dễ dàng, vì chúng chỉ xuất hiện ở những cánh rừng nguyên sinh như: Kon Ka Kinh, Kông Chơ Răng và đòi hỏi người “chinh phục” chúng phải có sức khỏe, bản lĩnh cũng như kinh nghiệm. Theo ông Chín Mỹ (thị trấn Kbang, huyện Kbang)-người có thâm niên trong việc tìm kiếm thảo dược quý ở Kbang thì hiện nay để tìm được một cây nấm quý có khi phải lang thang trong rừng cả chục ngày. “Vì các loại nấm linh chi mọc trên độ cao hơn 1.500 mét so với nước biển và mọc ở dưới tán rừng lá kim mới quý. Còn nếu nấm linh chi rừng mọc ở những cánh rừng có độ cao thấp, thuộc đồng bằng thì không quý bằng”-ông Chín Mỹ lý giải.

Cũng theo ông Chín Mỹ, trước đây, công dụng của nấm linh chi rừng chưa được phổ biến rộng rãi thì việc tìm kiếm và thu mua rất dễ dàng. Nhưng bây giờ, không riêng gì nấm mà ngay cả các loại thảo dược cũng bị khai thác triệt để. “Trong các loại nấm quý như: nấm linh chi đỏ, nấm linh chi đen, nấm chân voi, nấm linh chi hồng, nấm linh chi vàng, nấm chân cò thì nấm linh chi đỏ và nấm linh chi đen là thảo dược rất tốt trên mọi phương diện. Dược tính của chúng có tác dụng trong việc chống và phòng ngừa ung thư, chữa trị ung bướu, giải độc gan, điều trị gout (gút)… Riêng linh chi đỏ Kbang có giá trị ngang với các loại linh chi đỏ của Hàn Quốc, song giá của nó lại rẻ hơn nhiều (200.000-500.000 đồng/kg). Còn linh chi đen được xem là “thần dược”. Linh chi đen có thể ngăn ngừa quá trình lão hóa của cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch, điều hòa huyết áp… song nó cực hiếm. Vì vậy, nhiều người dân ở tận Hà Nội hay nhiều tỉnh thành khác cũng lặn lội về tận Kbang để tìm mua”-ông Chín Mỹ cho hay.

Thảo dược quý cho con người

Không chỉ nấm, rừng Kbang còn có nhiều loại thảo dược quý được người dân trong vùng dùng làm thuốc chữa bệnh, giúp mang lại sức khỏe tốt cho con người, đó là những loại dược liệu như cây lơpangkông, sâm đá, bí kỳ nam… Theo dân gian, cây lơpangkông dùng để chữa bệnh đường ruột, còn sâm đá và bí kỳ nam có thể khắc chế bệnh viêm gan. Vài năm trở lại đây, cây lơpangkông đã được người dân xã Krong trồng phổ biến ở trong vườn nhà. Gia đình chị Đinh Thị Pơng, làng Kta là người đầu tiên đưa cây lơpangkông từ rừng về trồng trong vườn nhà. “Để có thể đưa cây lơpangkông về trồng trong vườn, mẹ mình đã làm một mâm lễ cúng thần núi, xin thần cho đem cây lơpangkông về trồng để chữa bệnh cho dân làng. Sau một thời gian cây phát triển tốt và cho quả nhiều như cây sống ở trong rừng vậy”-chị Đinh Thị Pơng vui mừng cho biết.

 

 

Với tay hái một chùm quả-tựa như quả mây, tại vườn cây nhà chị Đinh Thị Pơng, ông Đinh Ních-Chủ tịch UBND xã Krong, giải thích: “Nhìn quả nhỏ thế này thôi, nhưng công dụng của nó tốt lắm! Nhiều năm nay, bà con trong xã đã có thể tự xử lý được một số bệnh về đường ruột từ quả lơpangkông. Ai đó trong làng, trong xã bị đau bụng, khó tiêu chỉ cần nhai vài quả lơpangkông là ổn. Giờ đây, cây thuốc này đã được bà con trong làng nhân rộng và nó cũng nằm trong danh sách những cây trồng mang lại giá trị kinh tế”.

Riêng cây bí kỳ nam, sâm đá… lại xuất hiện nhiều ở cánh rừng thuộc các xã: Đak Rong, Lơ Ku, Kon Pne. Các hợp chất của các loại cây này có khả năng chống lại tác nhân độc hại gây tổn thương gan. Sâm đá và bí kỳ nam cũng khó tìm như nấm linh chi. Vì bí kỳ nam là cây tầm gửi, sống cộng sinh với kiến, còn sâm đá thì mọc ở các vách đá cheo leo,… Như để chắc chắn hơn về công dụng thật sự của những cây thuốc quý, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh để được biết thêm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện cho hay: Từ lâu, Kbang được “mệnh danh” là vùng đất có trữ lượng lớn về các loại thảo dược quý hiếm. Thực tế, những cây thuốc quý nêu trên, người dân đã dùng và có tác dụng rất tốt để chữa bệnh. Còn để đưa những dược liệu này chiết xuất ra thuốc, chúng tôi phải nhờ đến cơ quan y dược Trung ương kiểm chứng về dược tính của mỗi loại thì mới đưa vào sử dụng được.

…Rõ ràng, niềm tin của người dân là có cơ sở và bao đời nay, họ đã và đang được rừng bao bọc, chở che. Và nếu người dân nơi đây biết khai thác, sử dụng những “báu vật” này như một niềm tự tôn riêng có thì chắc chắn thảo dược Kbang sẽ được biết đến rộng rãi hơn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm