Bên này Củng Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên này Củng Sơn (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) hay còn gọi cầu Klúi (quốc lộ 25) là xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa. Trong ký ức của nhiều người, đây không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là chiến trường đẫm máu trong trận chiến truy kích quân ngụy bị thua trận tại Tây Nguyên tháo chạy về Duyên hải miền Trung vào tháng 3-1975. Vậy nhưng, từ một vùng đất “chết” hơn 40 năm trước, nay Chư Ngọc đã trở thành vùng đất trù phú.
 

Cầu Klúi hôm nay. Ảnh: H.T

Một buổi chiều tháng 3 lịch sử, dưới cái nắng như rang của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi tìm về nhà ông Ksor Chát (buôn Rsai)-người trực tiếp tham gia trận chiến truy kích quân ngụy vào năm 1975. Đi trên những cung đường bê tông trải dài vào tận các buôn, thôn hai bên là những ngôi nhà kiên cố; trường học, trạm xá, nhà văn hóa mọc lên khang trang cùng những rẫy mì, bắp, ruộng lúa xanh ngắt phía xa điểm xuyết cho bức tranh Chư Ngọc thêm tươi mới khiến cho ai nấy như dịu đi trước cái nắng gay gắt của vùng “chảo lửa”. Như đã hẹn, ông Ksor Chát thư thả ngồi đợi khách dưới bóng cây sung trước nhà. Sau cái bắt tay thân tình, người thương binh 2/4 với nước da ngăm đen hồi tưởng lại ký ức những năm tháng tham gia kháng chiến cũng như quá khứ hào hùng của vùng đất Chư Ngọc.

Ông kể, trong những năm kháng chiến, người dân Chư Ngọc nếu không đi thoát ly thì hầu hết đều ở nhà sản xuất phục vụ kháng chiến. Vì vậy, từ năm 1960-1970, Chư Ngọc bị địch dồn dân lập ấp chiến lược nhằm khống chế không cho nhân dân sản xuất để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hễ đi đến đâu thấy cây lúa, cây mì của dân là địch phá đến đó. Tháng 3-1975, khi quân ngụy trên đường từ Đak Tô-Tân Cảnh, Pleiku rút về Duyên hải miền Trung bị quân ta chặn đánh tơi tả trên đường 7, người dân Chư Ngọc cũng đã chung tay cùng bộ đội chặn đánh và kêu gọi quân địch đầu hàng. “Tuy vậy, trên đường rút chạy, quân địch đã trà trộn vào dân, lợi dụng dân để làm bia đỡ đạn khiến cho người dân hoảng loạn chạy theo. Khi cầu Klúi bị đánh sập, Chư Ngọc trở thành vùng đất “chết”. Xác địch nằm dày đặc hai bên đường 7 và nhiều nhất là bên mép cầu Klúi này”-ông Chát nhớ lại.

Sau câu chuyện thời chiến, ông đưa chúng tôi đi thăm cầu Klúi mới được xây lại, thăm một số gia đình để tìm hiểu về những đổi thay của Chư Ngọc kể từ ngày thoát khỏi chiến tranh. Từ chỗ bệnh tật, đói nghèo bám riết, phải ăn rau rừng những năm sau giải phóng, người dân Chư Ngọc từng bước sản xuất vượt qua cái đói. Nhiều bài toán kinh tế, nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai như Chương trình 135, 167, chương trình cấp bò, gạo, muối, giống, phân bón đã phần nào giúp nhân dân vượt qua cái đói, chăm chỉ lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Đặc biệt, chủ trương đưa hơn 320 hộ của hai buôn Thức và Rsai ở vùng ngập lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ ra quốc lộ 25 sinh sống từ năm 2006 của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương và buôn bán nên đời sống của người dân Chư Ngọc dần dần được cải thiện.

Anh Hà Văn Vinh-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2000 đến nay, với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện, bộ mặt nông thôn của xã đã có sự đổi mới. Hệ thống điện lưới được kéo về tận các buôn, thôn; trường học, đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang. Nếu như trước năm 1995, hầu hết các hộ dân đều rơi vào diện nghèo thì nay thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/năm; hộ khá chiếm trên 10% với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, xã đã đạt được 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Năm 2016, từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và chương trình nông thôn mới, xã được đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhân dân sản xuất. Đây là động lực để xã tiếp tục đạt được nhiều thành tích trong thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới”-anh Vinh vui mừng cho biết thêm.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm