Đi dọc dải đất hình chữ S mến thương này, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bến sông phơi mình bên dòng chảy mải miết của con nước…
Sông Như Ý ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Bến bao đời lặng thầm neo đậu tình làng nghĩa xóm dẫu nắng mưa cuộc đời đã từng thay hình đổi dạng cả cảnh và người.
Hai tiếng “bến quê” cứ hễ vang lên là lòng người lại dịu vợi nỗi nhớ, xôn xao niềm thương về một tuổi thơ trong trẻo. Nhà tôi ở phố cổ Bao Vinh bên một nhánh dòng Hương khéo léo uốn mình và mượt mà chảy mải miết qua ngày qua tháng. Nhà lại ở đối diện bến sông nên chẳng ai có thể gần gũi bến nhiều đến thế, thương mến bến lắm như tôi.
Tôi vẫn nhớ như in khoảng không rộng lớn đến ngợp mắt mỗi khi phóng tầm nhìn sang bờ bên kia. Giờ sao thấy làng Tiên Nộn nơi ấy gần đến lạ, đến mức tưởng như chỉ cần phóng vụt xuống nước, bơi vài sải tay đã cập bờ. Hồi ấy, lũ trẻ chúng tôi đã bơi đến hụt hơi rồi đu bám vào bịch nước, bè chuối cố vượt sông sang bờ bãi lắm nương ngô ấy trong lời thách đố của tuổi trẻ dại khờ…
Tôi vẫn nhớ cây đa cổ thụ tỏa bóng trước bến, nghiêng nghiêng che nắng cho khoảng đất mát dịu lòng bàn chân và thơm nồng mùi phù sa bồi đắp mỗi năm lũ về. Lá đa xum xuê lắm, thân xù xì tạo dáng điệu đà còn rễ cây lổm ngổm bò trên mặt đất biến thành trò chơi của lũ trẻ nghịch ngợm. Gió từ mặt sông ùa vào đung đưa bóng lá, hong khô giọt mồ hôi giữa nắng hè miền Trung oi ả và thổi bùng lên giấc mơ cổ tích của biết bao đứa trẻ cứ ngẩng cổ lên tìm nàng tiên bé xíu lấp ló trong lá, ông thần tốt bụng ẩn nấp trong thân…
Tôi nhớ mấy bậc cấp bằng đá kê gập ghềnh dẫn xuống bến có dạo nghiêng ngả cả bước chân, ấy vậy mà chúng tôi lại thích đến mê mẩn bởi đằng sau mấy tảng đá có bọn còng nhỏ xíu xiu cứ lò dò bò ra rồi chui tọt vào hang khiến bọn trẻ “ngứa mắt” quyết bắt bằng được. Rồi ai đó đổ bê tông lên những bậc cấp, bước đi chẳng cần chụm mấy đầu ngón chân lại như trước. Mấy chị, mấy o lại thích mê bậc cấp đó bởi áo quần có thể trải ra mà đánh, mà chà trên nền bê tông sạch sẽ. Mỗi sớm, mỗi chiều lại nhộn nhịp cảnh người người nườm nượp giặt giũ, phơi phóng rộn vang tiếng nói cười…
Nước sông trong leo lẻo, cát vàng mịn màng phủ cả một bãi bồi dọc mấy căn nhà sát sông nên dù Bao Vinh nhiều bến nhưng nhiều người cứ tụ tập về đây mà tắm, mà lội thỏa thích. Bọn trẻ con gần đó chẳng đứa nào là không mê tắm sông. Mới mấy tuổi đầu đã theo chân bố mẹ xuống lội lóp ngóp nơi bờ cát, nước chỉ xâm xấp đầu gối nên chả sợ. Cứ vẫy vùng đạp chân quơ tay một thời gian nơi nước cạn rồi dần dà mon men ra chỗ nước sâu mà nhập bọn với đàn anh đàn chị đang hào hứng chơi trò ném bóng, lặn nghêu. Trong niềm vui tuổi thơ của chúng tôi hồi ấy, may mắn có những phút giây thư thả bên dòng nước mát rượi và đôi ba trò chơi con nít ngập tiếng cười giòn tan…
Thương nhất là mỗi năm lũ về, bến sông oằn mình chống chọi với dòng nước vàng khè giận dữ cuộn mình. Con đường Bao Vinh trước mặt nối liền bến sông và dòng Hương trải ra mênh mông con nước dữ. Cứ đứng nơi hiên nhà nhìn ra là lại nhói lòng nhìn mấy con đò bé xíu chòng chành vượt khúc cua ra vào bến. Lũ về, bến sông tan tác đến tội nghiệp nhưng đôi tay kỳ diệu và tấm lòng mến thương của người dân sẽ đắp bờ, xây móng và dựng lại góc quê hương thiêng liêng…
Tiếc thay, dáng dấp dung dị của làng quê Việt nơi bến sông ấy nay chỉ còn là hư ảo… Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm phủ màu ký ức lên nỗi nhớ đầy vun trong tim. Sông vẫn lặng lẽ xuôi dòng, bến vẫn lặng thầm yên ả gối đầu lên đôi bờ mà sao cảnh và người đều khang khác!
Cây đa trước bến “thất trận” trước cơn lũ dữ năm 1999, một vài cây trứng cá mọc lên lại nhanh chóng bị quật ngã bởi nắng mưa, gió bão. Bến sông bê tông hóa và chắn bước chân của người dân bằng bờ kè cao thẳng đứng.
Đã lâu lắm rồi chẳng có ai đặt chân xuống mặt sông mà lội bì bõm, chỉ có vài cái thùng nhựa cột dây thả xuống kéo nước lên dội rửa bụi bẩn…
Đã lâu lắm rồi chẳng có đứa trẻ nào nhảy ùm xuống nước mà ngụp lặn trong mấy trò con nít ngày xưa nữa…
Đã lâu lắm rồi người già, trẻ nhỏ chẳng tụ tập quanh bến mà đón trăng, hóng gió và lao xao những câu chuyện kể…
Rồi hôm kia đèn điện vụt tắt. Màn hình ti vi tối đen. Máy điều hòa nhiệt độ và quạt hơi nước “đóng băng”. Wifi khóa sóng. Già trẻ lại lũ lượt xách ghế, cầm quạt ê a ra bến sông quê mà ngóng gió trời, chờ bóng trăng và ê a mấy câu chuyện vu vơ…
Lòng chợt hỏi lòng phải chăng bến quê đã bị bỏ rơi đến buồn rười rượi bao lâu nay?
Theo Trang Hiếu (TNO)